Trong một nghiên cứu mình từng đọc trên ScienceDaily, người ta chọn 34 cặp mẹ con (trẻ ở độ tuổi 18-36 tháng) và đánh giá các tương tác bằng lời của các bà mẹ trong một tình huống đòi hỏi sự kiên nhẫn, yêu cầu trẻ không chạm vào một đồ chơi cụ thể trong 8 phút.
Một số chiến lược kiểm soát bằng lời nói của mẹ đã được mã hóa, bao gồm:
- Lịch sự: mẹ yêu cầu trẻ thực hiện hoặc ngừng hành vi
- Gợi ý: mẹ gợi ý trẻ nên thực hiện hoặc ngừng hành vi
- Đánh giá tích cực: mẹ ca ngợi để khuyến khích trẻ tiếp tục hành vi
- Thương lượng: mẹ yêu cầu sự tuân thủ của trẻ bằng việc cho trẻ thứ gì đó và đổi lấy con sẽ không chạm vào đồ chơi
- Đồng cảm: mẹ thể hiện sự đồng cảm với cảm xúc của trẻ (khóc vì không được chạm vào đồ chơi)
- Đánh giá tiêu cực: mẹ trừng trị vì hành vi không tuân thủ
Các nhà nghiên cứu sau đó đánh giá các chiến lược kiểm soát này và sự liên quan của nó tới sự mệt mỏi và thiếu ngủ của các bà mẹ.
Tất nhiên không có gì ngạc nhiên, khi kết quả cho thấy mẹ càng mệt mỏi, họ càng ít có khả năng sử dụng các chiến lược kiểm soát bằng lời nói tích cực (lịch sử, gợi ý, đánh giá tích cực...) trong một tình huống đòi hỏi sự kiên nhẫn.
Nói chung nghiên cứu này thì không có gì mới mẻ, nhưng điều quan trọng là chúng ta sẽ phải phân định sự mệt mỏi có thể ảnh hưởng tới hành vi chung của chúng ta thế nào.
Nghiên cứu này không nhằm mục đích lên án cha mẹ, giá trị ở đây là cho chúng ta một thông điệp: với vai trò làm cha mẹ, trải nghiệm hàng ngày với sự mệt mỏi, cáu kỉnh, mất bình tĩnh với con là hoàn toàn bình thường.
Nuôi dạy con là công việc khó khăn. Nó có niềm vui nhưng cũng chứa đựng nhiều cảm xúc mệt mỏi. Quan trọng là tất cả đều phải được coi trọng. Đặc biệt là các bà mẹ, đôi khi chúng ta quên đi giá trị công việc tuyệt vời mình đang làm vì quá bận bịu, vội vã. Chúng ta quên đi cả cách để chăm sóc bản thân hoặc tự trách cứ dằn vặt bản thân.
Hầu như ai làm cha mẹ cũng đều mệt. Mệt mỏi hàng ngày là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong 6 năm đầu đời của trẻ, trẻ càng nhỏ thì càng dễ mệt.
Đừng dừng lại ở cảm giác tội lỗi mỗi lần ta mất kiên nhẫn với con quá lâu. Hãy coi nó là một động lực để thay đổi và chú trọng vào việc dành thời gian để chăm sóc bản thân nhiều hơn.
Bất cứ lúc nào có cơ hội, hãy tự chăm sóc cho mình nhiều hơn và cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi: chợp mắt một chút, thiền 5-10 phút, uống một cốc nước, nằm bên cạnh khi con đang chơi, đi ra ngoài mỗi ngày hoặc tự thưởng cho bản thân một điều gì đó hàng tuần...
Linh Phan
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Đừng sợ hãi khi làm mẹ tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].