Đã từ lâu lắm rồi, Đông cũng như Tây, phụ nữ luôn xác định người đàn ông yêu họ phải là người đàn ông lo được cho họ. Nếu ví họ như nước, đàn ông phải như đất bao bờ, ôm trọn họ, để họ thành sông, thành hồ mà an yên. Có người coi việc đàn ông phải kiếm được nhiều tiền thì mới đủ nghĩa lo, lý sống.
Nên đàn ông từ nhỏ đã được dạy phải thành trụ cột. Nên đàn ông yêu vợ cứ đau đáu kiếm tiền, kiếm danh, cho vợ nở mày nở mặt, cho vợ an nhàn sung túc.
Nên đàn ông có tiền, có danh chả sợ không kiếm được người nâng khăn sửa túi. Đàn ông bất tài, vô dụng thì bị vợ khinh, bạn bè cười chê. Kiếm được ít tiền hơn mức vợ tiêu thì gia đình không được hạnh phúc. Kiếm được nhiều tiền nhưng vợ không hạnh phúc cũng bị người đời lên án.
Tôi vẫn nói với vợ mình, nhiều lúc, rằng nàng có thể lấy một đại gia hoặc một giám đốc, tiền nhiều, sung túc thay vì một nhà báo quèn như tôi. Nhưng nàng vẫn chọn tôi để cưới khi mà đến cái nhà mua cũng cần hai vợ chồng cày cuốc, cái xe mua cũng cần tích góp lại bao ngày từ cả 2 nguồn thu nhập.
Nàng bảo nàng hạnh phúc, thế là đủ. Nàng bảo nàng yêu tôi, thế là đủ. Nên nàng cũng phải quần quật mà làm. Tôi không dám vỗ ngực nói cuộc hôn nhân của mình là hạnh phúc. Chỉ dám nói rằng chúng tôi đã có một cuộc hôn nhân thú vị và nhiều trải nghiệm tuyệt vời.
Ở đó, nàng không đòi hỏi tôi phải kiếm thật nhiều tiền (dù lần nào đưa tiền cho nàng mắt nàng cũng sáng như sao). Nàng chỉ quan tâm chuyện chúng tôi đã cùng nhau làm ra bao nhiêu tiền.
Hạnh phúc đến lại chẳng phải từ số tiền chúng tôi kiếm ra mà lại là cách mà chúng tôi đã kiếm ra chúng, tạo nên chúng. Đó là lý do tôi yêu thích hai chữ CÙNG NHAU đến thế! Hôn nhân là gì nếu không phải là CÙNG NHAU?
So sánh nào cũng khập khiễng cả! Nhiều người vẫn hạnh phúc với việc thế giới đã có chồng lo, việc em là yêu anh. Chỉ là thêm một gợi ý nữa cho những ai muốn cùng chồng chia sẻ thế giới như vợ chồng tôi, vậy thôi!
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Để chồng lo tất hay cùng nhau san sẻ? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].