Cafe sáng: Dạy con thời 4.0

Dạy con trở thành người tử tế và có ích cho xã hội đôi khi giống một bài văn mẫu vậy. Cha mẹ cũng đang trưởng thành cùng con chứ không thay con trưởng thành.

Cafe sáng: Dạy con thời 4.0 0

Lý thuyết mà nói, là ước mơ vậy, thì chuyện học hành kiến thức thuộc về các thầy cô, cha mẹ chỉ cần yêu thương con là đủ.

Chỉ có điều, đứng trước sự ngổn ngang của giáo dục hôm nay, làm cha, làm mẹ thật khó mà khoanh tay phó mặc con cái cho thầy cô được.

Những kỳ thi luôn là nỗi ám ảnh của nhiều cha mẹ khi mà thi tốt hay không chưa đủ, còn phải có chiến thuật chọn trường cho con. Để không có đứa trẻ nào điểm cao mà vẫn trượt chỉ vì chọn phải trường trúng năm được mùa đăng ký.

Thú thật, là một ông bố ham chơi với con nhưng lười nghĩ đến chuyện học hành của con, tôi nhiều phen toát mồ hôi lạnh.

Tôi vốn là kẻ học hành làng nhàng, thi cử toàn nhờ khôn lỏi, may mắn nên tôi nào mơ mộng con mình đỗ thủ khoa.

Nhưng nếu để con bơ vơ, phải học những ngôi trường bất ổn thì cái lỗi đó sẽ lớn không thua gì lỗi bỏ mặc con cái. Vậy nên, chỉ là lý thuyết thôi, chuyện giao thầy cô lo kiến thức cho con là vậy.

Nhưng, nếu không phải lo chuyện học hành cho con cái, tôi nghĩ cha mẹ sẽ còn rất nhiều thứ có thể thay thầy cô truyền thụ cho con mình.

Lại vẫn là ước mơ của một ông bố nhiều ý tưởng, tăng động và ham chơi, tôi muốn mang mình ra làm thí nghiệm để các con học từ những gì tôi và chúng cùng trải nghiệm. Là thí nghiệm ngay trên bản thân mình về những điều mình muốn con học. Như nếu bố làm thế này, kết quả các con thấy là gì? Gọi là tấm gương cũng không sai nhưng nó nhiều hơn một tấm gương, nó còn là sự thực hành.

Tôi muốn các con thực hành về mọi điều trong cuộc sống thông qua bố, mẹ chúng. Từ tích cực như cách mà chúng ta chăm sóc người già đến ít tích cực như học từ chính những thất bại của cha mẹ.

Cafe sáng: Dạy con thời 4.0 1

Bảo là ít tích cực là bởi dạy con từ những thất bại của cha mẹ luôn khiến trẻ hiểu sai về cuộc sống nếu chính chúng ta cũng lầm lẫn về nguyên do của sự thất bại, hoặc cảm xúc của chúng ta về sự thất bại đó lớn hơn bản chất của sự thất bại. Nhưng chúng cũng vẫn là thứ “giáo trình” tốt để chia sẻ với các con mình.

Tôi thấy mọi người vẫn hay nói: Muốn con mai này thành người tử tế và có ích cho xã hội. Nó giống một câu cửa miệng nhiều hơn khi chính chúng ta, trong một xã hội quá nhiều thông tin mà lại quá ít thời gian để lọc, sự tử tế và có ích đôi khi thật khó đánh giá.

Như một ai đó vừa làm từ thiện một khoản lớn, vừa có những việc làm tốt lành nhưng mấy hôm sau chúng ta đã lại thấy họ đứng trước vành móng ngựa. Như một sự việc nào đó được phản biện xã hội rằng nó là sự lãng phí, ngớ ngẩn, rỗi hơi… nhưng chỉ dăm hôm sau chúng ta sẽ lại thấy cả xã hội quanh chúng ta rầm rộ lời khen dành cho chính sự việc đó.

Thế nên dạy con trở thành người tử tế và có ích cho xã hội đôi khi giống một bài văn mẫu vậy. Nhất là với trẻ cái gì cũng cần ví dụ minh hoạ chứ không phải là phân tích rườm rà. Chúng ta biết lấy ví dụ nào để minh hoạ?

Không lẽ lúc nào cũng là chính chúng ta? Ít mẫu so sánh sẽ khiến những lý thuyết, chỉ dẫn của bạn trở thành áp đặt nhiều hơn là vậy. Nên tôi thôi muốn con mai này thành người tử tế và có ích cho xã hội nữa. Tôi muốn dạy con nhiều về nhân- quả cuộc đời, về cho và nhận, về việc không có hạt mưa nào không phải chịu trách nhiệm về một cơn lũ.

Tôi muốn dạy con về trách nhiệm. Có vẻ như lâu rồi, nhiều cha mẹ cũng quên việc này khi mà chính họ cũng đang quên mất đi trách nhiệm của mình mà chỉ nghĩ về nghĩa vụ.

Tôi vẫn hay nói rằng: Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm đủ cho tất cả mọi người có mặt đều phải được ăn no. Nhưng trách nhiệm là bữa cơm đó khiến người ăn phải thấy hạnh phúc, phải biết ơn người nấu, phải nhớ mãi và muốn được ăn thêm nhiều bữa nữa. Là thứ tạo nên giá trị chứ không phải là thứ chỉ mang tính trị giá.

Chỉ có điều, trong một cuộc sống bận rộn này, chúng ta không mấy ai còn muốn làm điều đó, dù đều ý thức về điều đó.

Bạn sẽ dạy con mình điều gì nữa khi mà kho tàng ca dao- tục ngữ, lời dạy của người xưa hay kinh nghiệm của cha ông có nhiều điều đã chẳng còn phù hợp với cách mạng 4.0 hôm nay?

  Cuốn sách được cộng đồng làm cha mẹ đón nhận của nhà văn Hoàng Anh Tú

Cuốn sách được cộng đồng làm cha mẹ đón nhận của nhà văn Hoàng Anh Tú

Chúng ta thật khó để nói cho con cái về sự sáng bóng của những chiếc vương miện thành công khi mà chiếc vương miện đó đã nằm trong bảo tàng bị bụi thời gian phủ mờ rồi. Chiếc vương miện sáng bóng đôi khi phải nhờ những bàn tay chạm, sờ, ngưỡng mộ lâu dài chứ không phải nằm sâu trong két sắt.

Mà quá khứ hiển hách hôm qua cũng đã nằm lại ở hôm qua. Tôi không thể dạy con lịch sử nước Việt bằng việc chúng ta tiêu diệt bao nhiêu quân thù, số xác lính Mỹ, lính Pháp, giặc Thanh, giặc Mông Cổ, giặc Xiêm… Cũng như tôi chẳng thể bảo con “Những người ti hí mắt lươn/ Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người”.

Ấy vậy mà vẫn có nhiều cha mẹ lấy quá khứ ngày xưa, lấy chuẩn mực một cân, một thạch, một đấu, một vốc để đo lường hiện tại.

Tôi những muốn dạy con về tương lai. Là một tương lai bắt đầu từ nguồn gốc của nó trong quá khứ. Chừng nào Sử Việt được học để hiểu hiện tại, dự báo được tương lai thay vì những báo cáo thành tích thì mới mong lũ trẻ yêu Sử Việt được. Và chừng nào những điều cha ông để lại được chính lũ trẻ hôm nay sửa chữa lại, phục dựng lại thì mới mong chúng nhớ, chịu nhớ.

Tôi còn muốn dạy con nhiều điều. Nhưng không phải là chuyện để con trở thành điều gì lớn lao mai này. Mà đôi khi chỉ là con biết cách đứng dậy khi vấp ngã. Biết thấy cơn mưa mù kia không thể ngăn trở ngày nắng rực rỡ sau đó.

Biết rằng cha mẹ cũng đang trưởng thành cùng con chứ không thay con trưởng thành. Sinh ra một đứa con, nuôi chúng ăn học để thành người vốn chẳng phải để mai này dựa cậy, có con cái phụng dưỡng đâu.

Tôi vẫn đùa với các con rằng: Tính thời gian cha mẹ nuôi con, cho các con ăn học, cầy cuốc kiếm tiền cùng lắm chỉ đến năm các con 22 tuổi, 24 tuổi. Chỉ 22- 24 năm trong khi bắt các con nuôi bố mẹ, phụng dưỡng cho bố mẹ thì số năm có thể còn nhiều hơn, gấp đôi số năm bố mẹ đã nuôi các con.

Vậy thì sinh con ra vốn là đầu tư vào một sản phẩm lãi quá đi chứ. Thế nên đừng cha mẹ nào mở miệng ra là “Tao nuôi mày ăn học đến giờ là tao đã hy sinh quá nhiều” hay “Chẳng biết có nên cơm cháo gì không”… Con cái nào phải khoản đầu tư của cha mẹ?

Cuối cùng, tôi vẫn nghĩ việc chúng ta dạy con chúng ta điều gì vốn chẳng phải điều quan trọng. Mà chính là chúng ta đã trở thành cha mẹ- con cái với nhau, chúng ta là một gia đình.

Nghĩ về hai chữ Gia Đình sẽ khiến chúng ta biết chúng ta phải làm gì cho nhau, vì nhau. Con bạn có biết ý nghĩa của gia đình chưa?

Hoàng Anh Tú

 

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính