Hôm qua, như thường lệ, 2 vợ chồng đi bộ quanh Times. Chỉ 2 vợ chồng thôi. Vì bọn trẻ kêu ông bà bô sến súa, đi cùng ông bà bô thành “kỳ đà cản mũi họ yêu nhau”. Mình bảo vợ: Làm gì thì làm, 50 tuổi là nghỉ. Tài sản được bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Kệ 3 đứa chúng nó. Bố mẹ chỉ có thế thôi, đứa nào muốn giàu có thì tự đi mà kiếm, bố mẹ cùng lắm cho mỗi đứa một khoản coi như lấy đà. Mình nghĩ thế thật.
Mình sợ những người 50-60 tuổi vẫn đang cày bục mặt với ý nghĩ gom góp thêm tiền cho con cái mai sau. Là mình ích kỷ. Mình chả muốn năm mình 50-60 tuổi vẫn toan toan tính tính. Làm cha mẹ đều chỉ mong giúp được cho con cái nhiều nhất có thể. Không chỉ là học hành ổn thoả, nghề ngỗng ra tấm ra món mà còn cả tài sản dắt lưng, dựa lưng.
Mình không muốn thế vào năm 2 vợ chồng 50- 60 tuổi. Mình chỉ nghĩ rằng ở tuổi đó, 2 vợ chồng mình có thể nghĩ đến những điều vui vẻ. Những thứ bé mọn như hôm nay ăn gì, đi đâu, làm gì. Một tuổi già an nhiên và buông bỏ.
Mình muốn thấy cái cô Trang năm 60 tuổi sẽ đầy tủ quần áo màu sắc sặc sỡ chứ không toàn nâu, be, trắng như kiểu cô ấy đang mặc bây giờ. Mình muốn chơi cùng lũ cháu của mình như ngày xưa mình hay bày trò chơi với 3 đứa bố mẹ chúng. Mấy ông cháu lại bắt xe lê la quán xá, ăn vặt vỉa hè. Nghĩ đến thôi đã náo nức muốn thời gian trôi nhanh hơn. Mình nghĩ ai mà không thích tuổi già như vậy, nhỉ?
Chứ buồn lắm nếu thấy ai 50 tuổi vẫn nhíu mày nhăn trán cho mỗi nước cờ đi trên bàn cờ đời họ. Nên thôi, nghĩ thế này cho lành, hai vợ chồng vẫn tiếp tục cày cuốc cho đã đời đi. Đến 50 tuổi thì dừng. Đóng lại ván games mà 2 vợ chồng đã chơi. Tất toán lại xem được bao nhiêu thì kết sổ rồi hai vợ chồng bung lụa với nhau.
Nghỉ hưu năm 50 tuổi không có nghĩa là không lao động nữa mà chỉ là không lao động để tích luỹ nữa. Mà lao động khi đó là lao động để khoẻ khoắn yêu nhau, có một công việc vui vui để cùng nhau lao động. Vậy thôi, nhỉ?
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Bạn muốn sống tuổi 50 của mình như thế nào? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].