Buồn vì cha mẹ mắng, bé gái 11 tuổi uống cả vốc thuốc ngủ

Buồn vì hay bị cha mẹ mắng, thấy cha mẹ không thương mình bằng em gái nên cô bé 11 tuổi đã uống cả vốc thuốc ngủ từ lọ thuốc mua ở nhà thuốc tây.

Bé L.Q. (11 tuổi), ngụ Tiền Giang, được chuyển viện đến BV Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng hôn mê, chức năng gan thận đã bắt đầu bị độc chất liều cao của thuốc ngủ ức chế thần kinh.

Sau nhiều lần tra tên thuốc dựa theo gợi nhớ của gia đình và thử các xét nghiệm định tính máu, nước tiểu, các bác sĩ xác định dạng thuốc ngủ có hoạt chất từ Phenobarbital, thuốc ức chế thần kinh và chống co giật thường gặp.

BSCKII Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức Chống độc nhận định, thuốc ngủ bé gái này uống thuộc nhóm nặng nhất trong các loại thuốc ngủ những người có ý định tự tử hay dùng, như: Phenobarbital, Benzodiazepine (thuốc ngủ Seduxen) và nhóm ức chế 3 vòng Amitriptyline.

Nhóm này khi uống vào lúc đói, uống quá liều thì sẽ gây biến chứng của tình trạng ngủ, như ức chế tim, gây ức chế thần kinh trung ương, gây xoắn đỉnh, thông thường chỉ khoảng 30 phút là đi vào giấc ngủ.

Sau gần một tuần trị liệu tăng thải độc và kiềm hoá nước tiểu, bé gái đã tỉnh hẳn, cai máy thở và cười tươi mọi lúc, cởi mở với mọi người và trân quý sinh mạng từng phút giây.

  Bé gái 11 tuổi nguy kịch vì uống cả vốc thuốc ngủ đã được các bác sĩ cứu sống thành công

Bé gái 11 tuổi nguy kịch vì uống cả vốc thuốc ngủ đã được các bác sĩ cứu sống thành công

Sau khi được bác sĩ cứu sống thành công, cô bé kể lại: “Con buồn cha mẹ, cha mẹ thương em gái út hơn con, ít la rầy, ít đánh nó hơn con, cho nó chơi điện thoại nhiều hơn con, con rửa chén không sạch cũng bị la, con không được tổ chức sinh nhật như em con nữa… vô trường học thì mấy đứa bạn chê con đen, nói xấu con, không chơi với con…

Con buồn con tự nghĩ quẫn, con ra nhà thuốc lấy tiền tiêu vặt để dành mua hộp thuốc ngủ hết 70.000 đồng, năn nỉ lắm nói mua cho cha mẹ cô bán thuốc mới chịu bán. Sau đó uống một nắm hơn hai chục viên từ lọ thuốc mua ở nhà thuốc tây” – bé Q. kể lại.

Các bác sĩ BV Nhi đồng TP.HCM cũng cho biết, đối với bệnh nhân tự tử bằng thuốc, bệnh viện tiến hành cứu chữa tức thời, điều trị giải độc, đồng thời với các bước xét nghiệm định tính nồng độ thuốc.

Nhiều trường hợp được cứu sống, khi lấy lại bình tĩnh các bạn nhỏ, đa số tuổi vị thành niên thường tâm sự với các y bác sĩ rất thật lòng.

Theo đó, đối tượng là nữ tìm đến cái chết bằng cách tự tử nhiều hơn nam giới. Trong đó, các bạn nhỏ mang tâm lý áp lực học đường, bất mãn gia đình, phân bì tình cảm anh em, tâm tư tuổi mới lớn không ổn định, áp lực cuộc sống dẫn đến trầm cảm, ức chế, khi các em không thể chịu đựng nổi nữa, thì họ không thể làm gì hơn ngoài việc tìm đến cái chết.

Nếu phát hiện muộn, đã có biến chứng thì những trường hợp tự tử dù được cứu sống cũng vẫn ảnh hướng đến các cơ quan như: tim, gan, thận, lâu nữa sẽ gây viêm phổi.

Những người đã trải qua một lần tự tử thì chắc chắn thần kinh của các con em không còn được bình thường như trước.

Hậu quả lớn nhất chính là chấn thương tâm lý không hề nhỏ cho chính bệnh nhân đó và cho gia đình của họ.

Vì thế để tránh hiện tượng này xảy ra trong tương lai, lối sống của các con em cần sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, gia đình đối với từng cá nhân là rất quan trọng.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính