Ngày 26/11, Bộ Y tế ra công văn số 7162/BYT-BM-TE về việc tăng cường triển khai Chương trình Sữa học đường. Công văn nêu rõ: Giao Sở y tế làm đầu mối phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH,Sở NN&PTNT và các sở ngành liên quan xây dựng và triển khai "Kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường" của địa phương;
Tăng cường truyền thông giáo dục, vận động và phổ biến rộng rãi về lợi ích của Chương trình trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần cải thiện tầm vóc và thể lực người Việt Nam.
Đáng chú ý, công văn chỉ đạo nhấn mạnh: “Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế”.
Theo Bộ Y tế, hiện nay chiều cao trung bình của người dân Việt Nam vẫn thấp so với chiều cao trung bình thế giới.
Nhiều nơi trên cả nước vẫn còn tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi rất cao, có những nơi lên đến 35% và tình trạng này gây hệ luỵ lớn liên quan đến thể chất, tầm vóc người Việt.
Vì vậy, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường nhằm cải tiện, nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo, tiểu học với tầm nhìn đến năm 2020.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều tranh cãi xoay quanh chương trình này, nhất là khi đứng trước thực trạng nhập nhèm giữa nguồn sữa đưa vào các trường học.
Trước thực tế nhập nhèm giữa các loại sữa và có doanh nghiệp từng trục lợi trên sự nhập nhèm đó, nhiều phụ huynh lo ngại có lỗ hổng khó kiểm soát đầu vào nguyên liệu Sữa học đường.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cho biết, trước đó, Bộ đã có công văn số 7125/BYT-BM-TE gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường của địa phương và định kỳ báo cáo Bộ y tế theo quyết định của Thủ tướng chính phủ.
Tuy nhiên, đến hiện tại nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch hành động. Trong số các tỉnh có kế hoạch triển khai cũng chỉ có một số địa phương gửi báo cáo về Bộ Y tế.
Vì vậy, đơn vị này đề nghị UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc như thành lập ban chỉ đạo, trong đó, đầu mối là Sở Y tế phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan.
Các địa phương cần xây dựng và triển khai kế hoạch hành động thực hiện chương trình sữa học đường tùy tình hình thực tế các địa phương nhưng chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khu vực có nhiều trẻ suy dinh dưỡng.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bộ Y tế: Tiếp tục dùng sữa tươi cho chương trình Sữa học đường tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].