Hai sản phẩm gây hại cho sức khỏe nhưng Việt Nam chưa có cơ chế quản lý thuốc lá mới
Sáng 5/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo tham vấn các ý kiến liên quan đến chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, cả thuốc lá điện tử (ENDS) và thuốc lá nung nóng (HTPs) đều có tác hại tới sức khỏe người sử dụng.
Thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh và gây hại cho sức khỏe đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ mang thai. Các chất độc dược thấy trong dung dịch ENDS và trong khói, do đó, ENDS gây hại cho cả người sử dụng và người xung quanh. Dù chưa biết rõ các tác hại lâu dài song từ các chất trong khói RNDS có thể kết luận hút thuốc lá điện tử góp phần gây các bệnh như ung thư, tim mạch, hô hấp và các bệnh nguy hiểm khác.
Thuốc lá nung nóng cũng tạo ra chất khí độc hại gây hại cho sức khỏe người dùng và ảnh hưởng tới người xung quanh.
Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá mới cũng tác động tới môi trường, xã hội, kinh tế như gây ảnh hưởng môi trường vì lượng rác thải rắn, làm giảm chi tiêu, ảnh hướng đói nghèo, gây gánh nặng bệnh tất, gánh nặng quản lý cho nhà nước về nhân lực và tài chính…
Việt Nam chưa có chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nay. Trong khi đó, hiện nay các loại thuốc lá mới này đang được bày bán, quảng cáo mạnh mẽ.
Mặt hàng thuốc lá sản phẩm mới hiện nay được đưa về Việt Nam qua đường nhập khẩu phi thương mại, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm không kiểm soát dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó, việc có cơ chế quản lý loại thuốc lá mới là vô cùng cần thiết.
Việt Nam cần quy định cấm bán, sản xuất, quảng cáo, nhập khẩu
Tại hội thảo, bà Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây thông tin, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được sản xuất bởi các công ty thuốc lá truyền thống đa quốc gia lớn (BAT, PMI, JTI…) và các nhà sản xuất khác.
Thuốc lá điện tử ra đời từ năm 1963, là thiết bị điện tử dùng pin để làm nóng dung dịch (hay gọi là tinh dầu). Các loại tinh dầu thường là propylene Glyco, glycerol, có nicotin hoặc không có nicotin và hương liệu, đựng trong ống/bình chứa dùng một lần hoặc có thể tái nạo, tạo ra sol khi cho người sử dụng hít vào. Sản phẩm được thiếu kế đa dạng nhằm thu hút người sử dụng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Thuốc lá nung nóng là sự kết hợp thiết bị điện tử và sản phẩm thuốc lá làm sản sinh ra sol khí chưa nicotine với hướng vị thuốc lá cho người sử dụng hít vào. Thuốc lá làm nóng được chế biến theo quy trình đặc biệt từ nguyên liệu thuốc lá thông thường (sử dụng giấy, lá thuốc lá hoặc gỗ có tấm nicotine).
Thuốc lá nung nóng sử dụng nhiệt nung nóng (trực tiếp hoặc gián tiếp) sản phẩm thuốc lá (ở nhiệt độ lên đến 350 độ C).
Bà Thu cũng cho hay, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được thiết kế để bù đắp lượng thuốc lá điếu giảm do ý thức người sử dụng về tác hại được nâng cao và hiệu quả của biện pháp Phòng chống tác hại thuốc lá.
Tại Việt Nam,sử dụng thuốc lá điện tử có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá và trong giới trẻ. Năm 2015, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử là 1,1% (chiếm 0,2% số người hiện đang sử dụng thuốc lá truyền thống).
Với xu hướng trên, Việt Nam cần quy định cấm bán, sản xuất, quảng cáo, nhập khẩu cả 2 loại thuốc lá này. Các cơ quan chức năng cần kiểm soát hoạt động quảng cáo, buôn bán sản phẩm này khi các sản phẩm chưa được phép lưu hành trên thị trường.
Hiện nay, 2 loại thuốc lá này đang được bán rộng rãi với các cách thức quảng cáo đa dạng thu hút người sử dụng, đặc biệt sử dụng và hướng tới thanh thiếu niên như: Các cửa hàng bán lẻ, các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, Các sự kiện thể thao, sử dụng thanh thiếu niên tiếp thị sản phẩm, người nổi tiếng và có ảnh hưởng, tạo trào lưu và phong cách hướng tới giới trẻ bằng cách sử dụng thiết kế sản phẩm bắt mắt, nhỏ gọn, đa dạng màu sắc…
Trì hoãn cấm thuốc lá điện tử dẫn tới tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện nicotine tăng cao
Tại hội thảo, bà Đoàn Thu Huyền, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho biết, hiện trên thế giới có 3 xu hướng xử lý vấn đề thuốc lá thế hệ mới.
Thứ nhất là cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử (ít nhất 24 quốc gia và vùng lãnh thổ).
Thứ hai là được xếp vào loại hàng hóa có điều kiện, phải được kiểm soát và cấp phép như dược phẩm (8 nước và vùng lãnh thổ cho phép).
Thứ ba là các nước quản lý theo các quy định về kiểm soát thuốc lá. (47 nước)
Bà Huyền đưa ra khuyến nghị: Tham khảo kinh nghiệm các quốc gia có quy định yếu hoặc trì hoàn việc cấm 2 sản phẩm thuốc lá mới dẫn tới mức độ sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên rất cao, mức độ nghiện nicotine phổ biến ở thanh thiếu niên cũng tăng cao, do đó bà Huyền đề xuất nên cấm thuốc lá thế hệ mới; tăng cường quản lý chặt chẽ các yếu tố liên quan đến thuốc lá thế hệ mới.
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ cấm hoàn toàn sản phẩm thuốc lá mới
Tham dự hội thảo, Ths Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trình bày một số vấn đề pháp lý đặt ra đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng như định nghĩa, đặc tính sản phẩm, ghi nhãn, in, cảnh báo sức khỏe và sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá và thẩm quyền cho phép thi điểm các vấn đề khác đối với với quy định của luật…
Ths Trang cũng nêu cơ sở, quan điểm về các tác động bất lợi của 2 loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe, xã hội, các tác động bất lợi về kinh tế; năng lực kỹ thuật, khả năng quản lý chưa sẵn sang, cơ chế pháp lý của các nước khác nhau.
Trên cơ sở đó, bà Trang kiến nghị Chính phủ, đối với thuốc lá điện tử cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo.
Đối với thuốc lá nung nóng: Tốt nhất cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo.
Trong trường hợp thí điểm, chỉ xem xét việc thực hiện thí điểm sau khi hoàn thiện tất cả các công cụ pháp lý và điều kiện kỹ thuật để quản lý theo nguyên tắc: Kiểm soát ở mức độ ít nhất là tương tự đối với thuốc lá thông thường; Có đầy đủ các quy định pháp luật trước khi thí điểm; Tổ chức thí điểm có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan; sau 1 thời gian nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ về sức khỏe, xã hội, kinh tế để báo cáo Chính phủ xem xét; Việc thực hiện thí điểm phải được Quốc hội cho phép để bảo đảm đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ Y tế kiến nghị cấm mua bán, sản xuất, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].