Bộ Y tế mới có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương, Cục Y tế, Bộ Công an, Cục Quân y... các đơn vị được giao nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng COVID-19 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho phụ nữ có thai.
Bộ Y tế cho biết, để tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát danh sách phụ nữ có thai từ 13 tuần trở lên trên địa bàn quản lý, lập kế hoạch và tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa sau khi giải thích nguy cơ/lợi ích và các đối tượng đồng ý tiêm chủng.
Cần ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và lực lượng y tế tuyến đầu, các đối tượng khác phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tổ chức tiêm vắc xin phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trước, trong và sau buổi tiêm chủng.
Trong trường hợp cần chuyển đến cơ sở tiêm chủng khác, cơ sở tiêm chủng tiếp nhận ban đầu phải hỗ trợ hướng dẫn người tiêm đến cơ sở tiêm chủng một cách thuận lợi, hiệu quả.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phải khám sàng lọc trước tiêm theo quy định của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế, không chờ đợi, lựa chọn vắc xin.
Lực lượng y tế tiếp tục tuyên truyền, vận động để phụ nữ có thai đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ. Theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine COVID-19 có hiệu lực, phụ nữ mang thai, đang cho con bú chống chỉ định với vắc-xin COVID-19 Sputnik V.
Bộ Y tế cũng cho biết dữ liệu hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai mắc COVID-19 có triệu chứng cao hơn nhóm không mang thai. Với thai nhi, các nghiên cứu cho thấy không có bằng chứng về mối liên quan giữa SARS-CoV-2 và dị tật bẩm sinh.
Trước đó, trong Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin COVID-19 ngày 10/8, Bộ Y tế đã nêu rõ: Phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú được tiêm vắc xin tuy nhiên không áp dụng với vắc xin Sputnik V. Từ đó tới nay, nhiều phụ nữ mang thai đã tiêm vắc-xin COVID-19, tránh nguy cơ rủi ro xảy ra nếu không may nhiễm COVID-19.
Về phản ứng sau tiêm, thai phụ sợ nhất là sốt, đây cũng là phản ứng thường gặp sau tiêm vắc xin COVID-19, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương hướng dẫn:
Khi bị sốt sau tiêm, các thai phụ cần bình tĩnh xử lý, dùng các thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol (ít ảnh hưởng nhất đến thai) theo liều lượng khuyến cáo.
Khi sốt trên 38 độ, buộc phải hạ sốt. Các thuốc hạ sốt này là an toàn với thai nhi, đừng vì lo ngại không dùng thuốc khi sốt sẽ rất nguy hiểm.
Bởi ở phụ nữ mang thai, bất kể do nguyên nhân gì, sốt trên 38 độ là phải tìm cách hạ sốt. Vì nếu sốt quá cao hay sốt kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, nên buộc hạ sốt, không để tình trạng sốt kéo dài.
Ngoài ra, để giảm nguy cơ sốt sau tiêm, khi đi tiêm về, các thai phụ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước (nước dừa, nước trái cây, ăn nhiều đồ loãng như cháo, sữa), theo dõi thân nhiệt. Nếu thấy sốt thì uống thuốc hạ sốt, nằm phòng mát, chườm nước ấm. Trong thời gian sốt tiếp tục uống nhiều nước sẽ giúp hạ sốt.
Trong tình huống đã uống thuốc, uống nhiều nước, chườm... vẫn không thể hạ sốt, sốt cao thai phụ cần đến cơ sở y tế.
V.LinhBạn đang xem bài viết Một đối tượng được Bộ Y tế đề nghị các tỉnh khẩn trương tiêm vắc-xin COVID-19 tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].