Sáng 19/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến cùng 63 tỉnh, thành về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 hiện nay, Bộ Y tế thông tin, hiện nay tình hình COVID-19 phức tạp nhất vẫn ở Hải Dương. Các địa phương xảy ra dịch đợt 3 (từ 28/1 đến nay) như Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Gia Lai... đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, từ các đợt dịch, đặc biệt là các đợt dịch thứ 3, các địa phương cần luôn chuẩn bị sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch vì không biết dịch sẽ xảy ra ở địa phương mình bất cứ lúc nào.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị sẵn các kịch bản sau:
Thứ nhất, các địa phương phải chuẩn bị kịch bản giãn cách, cách ly với F1 do không địa phương nào có sẵn cơ sở cách ly.
"Phải cách ly triệt để F1 để ngăn chặn mầm bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. Các địa phương kiểm tra, rà soát trên toàn tỉnh xem cơ sở nào có thể dùng cách ly để lên kịch bản, bao gồm cả địa điểm cách ly, giám sát, điều hành, nhu yếu phẩm, theo dõi sức khoẻ. Nếu không có sẽ rất khó khăn, đặc biệt khi số lượng F1 rất lớn trong một thời điểm”, Bộ trưởng Y tế yêu cầu.
Phải tính tình huống dịch xảy ra trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện… kịch bản giãn cách ra sao. Trong cách ly phải phối hợp chặt chẽ với quân đội do dân sự quản chưa nghiêm, còn hiện tượng lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Như Hải Dương, lực lượng quân đội đang điều hành toàn bộ hệ thống cách ly.
Thứ hai, các địa phương cần quản lý nghiêm việc giãn cách xã hội:
Bộ Y tế đã có hướng dẫn, đúc rút kinh nghiệm về quản lý từng hộ dân để biết người đi người đến, do đó phải thực hiện giãn cách đúng quy định.
Tuyệt đối không để trường hợp gia đình này giao lưu gia đình khác trong khu cách ly, phong tỏa. Hải Dương đã làm đúng nhưng phải nghiêm hơn nữa.
Hiện Bộ đã có hướng dẫn thành lập tổ COVID cộng đồng, tổ tự quản, nhiều nơi sáng tạo giao bí thư, đảng viên nắm từng hộ dân để khi có dịch lập tức thực hiện ngay.
Thứ ba, phải lên các phương án xét nghiệm, đưa ra các kịch bản xét nghiệm.
Vai trò của xét nghiệm là mấu chốt trong khống chế dịch. Do đó, các tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến công suất xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả cán bộ y tế đều phải được tập huấn về lấy mẫu.
“Chủ trương của chúng ta là khoanh vùng rộng, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm nhanh, phong toả diện hẹp để tác động ít nhất đến người dân nên xét nghiệm nhiều khi được xem là mấu chốt kiểm soát dịch để ngay lập tức chặn được tất cả nguồn lây. Nếu xét nghiệm chậm là đuổi theo dịch chứ không phải chặn dịch. Biến thể lần này lây rất nhanh, phải chặn, không đuổi theo được, càng đuổi sẽ càng đuối”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Thứ tư, chuẩn bị phương án điều trị trường hợp có nhiều bệnh nhân.
Khoa Truyền nhiễm tại các bệnh viện chỉ có đủ khả năng thu dung điều trị 10-20 bệnh nhân, vượt quá sẽ quá tải. Vì vậy, Hải Dương đã phải lập tới 3 bệnh viện dã chiến để chuyên thu nhận các bệnh nhân COVID-19.
Do đó, các địa phương dù chưa có dịch phải lên các phương án lập cơ sở điều trị khi có nhiều bệnh nhân.
Bộ trưởng cũng lưu ý, tất cả cơ sở y tế phải liên tục sàng lọc, xét nghiệm các đối tượng nguy cơ kể cả các địa phương chưa có dịch. Nếu phát hiện sớm, dập dịch càng nhanh.
Để phục vụ tốt hơn cho truy vết, điều tra dịch tễ, trong ngày hôm nay Bộ Y tế sẽ đưa vào vận hành hệ thống khai báo y tế bản mới qua QR code, dựa trên hồ sơ sức khoẻ trên 97 triệu dân. Trong đó Bộ Y tế yêu cầu, tất cả cơ sở y tế trên cả nước phải dán QR code tại tất cả điểm ra vào để người dân, bệnh nhân dễ dàng khai báo.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh các địa phương không được chủ quan, lơ là vì công tác phòng chống COVID-19 không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2021.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2021 tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].