Sáng nay 18/6, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 họp để bàn về các vấn đề liên quan tới vắc-xin COVID-19 như: Chuẩn bị chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19, bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm; những vấn đề tìm kiếm, tiếp cận, đàm phán các nguồn vắc-xin trên thế giới; các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vắc-xin trong nước…
Bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19
Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đề nghị Bộ Y tế sớm có văn bản bổ sung thêm đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19. Thành phần này gồm người tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đây là nguyện vọng của các nhà tài trợ và cũng là biện pháp để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng chuẩn bị cho giai đoạn sau khi tiêm vắc-xin cho đối tượng ưu tiên sẽ khởi động cơ chế vận hành hệ thống tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo, hiện nay nước ta đã chính thức tiếp cận được 2 loại vắc xin của Astra Zeneca và Sputnik V.
Việt Nam đã tiêm được 1.991.059 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là 89.833 người.
Trong thời gian tới, bên cạnh nguồn vắc xin của Pfizer đã ký kết, Việt Nam dự kiến tiếp nhận thêm một số loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép lưu hành khẩn cấp (gồm: 3 loại vắc xin Astra Zeneca (sản xuất tại Hàn Quốc, Ấn Độ và châu Âu); Johnson & Johnson; Moderna; SinoPharm; SinoVac; Pfizer) qua Chương trình COVAX Facility.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nhận viện trợ song phương của các nước. Vừa qua, Bộ Y tế tiếp nhận 1 triệu liều vắc xin Astra Zeneca từ Chính phủ Nhật Bản và dự kiến những ngày tới, sẽ tiếp nhận vắc xin cho Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tài trợ.
Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "có vắc-xin nhưng tiêm chậm".
Phấn đấu có nhà máy sản xuất vắc-xin cuối năm 2021
Về vấn đề nhập khẩu vắc-xin COVID-19, đại diện Bộ Y tế khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng về nguồn gốc xuất xứ của vắc xin khi tiếp xúc với đơn vị trung gian chào bán; chỉ làm việc khi nhà cung cấp trung gian được nhà sản xuất ủy quyền chính thức.
Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2021 thế giới vẫn còn tình trạng "tranh mua vắc xin", đặc biệt vào khoảng thời gian trước tháng 10/2021. Do đó, các địa phương, doanh nghiệp phải cân nhắc khi tiếp cận thông tin về vắc xin, tránh tình trạng nhà sản xuất cam kết bán nhưng giao vào năm 2022, không giao ngay trong năm 2021.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã báo cáo về các dự án nghiên cứu, đầu tư sản xuất vắc-xin trong nước; tiến độ thử nghiệm các loại vắc-xin. Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vắc-xin trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vắc-xin, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.
Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vắc-xin trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vắc-xin quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy Công ty TNHH MTV vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu cuối tháng 7/2021.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ thống nhất chủ trương, một mặt tận dụng, tiếp cận tất cả nguồn cung vắc-xin trên thế giới, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021 đạt miễn dịch cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vắc-xin trong nước không chỉ phục vụ nhiệm vụ chống dịch COVID-19, mà còn phát triển công nghiệp vắc-xin, hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu vắc-xin.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 trong thời gian tới tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].