Bố mẹ antin vắc-xin, con lĩnh hậu quả
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TW cho biết, Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới - BV Nhi TW hiện đang điều trị cho 30 trẻ bị viêm não, viêm màng não.
Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và biến chứng thần kinh. Trong đó phần lớn trẻ đều chưa được tiêm phòng vắc xin.
Điển hình như trường hợp của bé H.M.N, 3 tháng tuổi ở An Dương, Hải Phòng được chuyển đến BV Nhi TW sau 2 ngày điều trị tại BV Sản Nhi Hải Phòng nhưng sốt cao liên tục không giảm.
Tại BV Nhi TW, các bác sỹ chẩn đoán bé bị viêm màng não mủ đã biến chứng thần kinh. Sau hơn 1 tháng điều trị, đến nay tình trạng của bé N đã tốt hơn, tuy nhiên bé vẫn tiếp tục được theo dõi.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân N.V.Đ ở Thanh Hóa, 12 tuổi. Đ nhập BV Nhi TW trong tình trạng mất ý thức do bị viêm màng não. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục ý thức, tuy nhiên, vẫn chưa thể vận động được.
Hai gia đình bệnh nhi đều cho biết, cả 2 bé đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
“Đáng nói hầu hết các cháu khi được chuyển lên đều đã biến chứng nặng về thần kinh như bại não, động kinh, thậm chí nhiều trẻ mất hết tri thức dẫn đên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các gia đình đều cho biết hầu như trẻ bị viêm não, viêm màng não hay viêm não Nhật Bản đều chưa tiêm vắc xin”- PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.
Trẻ bị biến chứng thần kinh do viêm não, viêm màng não
Cũng theo PGS. TS Trần Minh Điển, trong các bệnh lý về thần kinh trung ương có 2 loại là viêm não và viêm màng não.
Đối với bệnh viêm màng não, liên quan đến các vi khuẩn, đứng đầu vẫn là phế cầu. Còn về bệnh viêm não, tại BV Nhi TW các bác sĩ cũng chỉ phát hiện ra khoảng 60% có căn nguyên, hầu hết là các vấn đề về virus, trong đó, virus viêm não Nhật Bản B vẫn là đứng hàng đầu.
Mức độ biến chứng tùy theo nguyên nhân. Ví dụ như viêm não Nhật Bản B thì tình trạng hồi phục hoàn toàn chỉ được 50%, 20% để lại di chứng nhẹ, 30% để lại di chứng nặng về tinh thần và vận động. 3% tử vong.
Hiện nay, biện pháp phòng ngừa viêm màng não hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin. Mũi tiêm này có trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia 5 trong 1.
"Tình trạng bố mẹ anti vắc-xin hoặc quên tiêm vắc-xin cho con là nhận thức lệch lạc, sai lầm và rất nguy hiểm cho trẻ. Các gia đình cần thiết phải đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng thời gian để phòng bệnh tốt nhất cho con" - TS Điển khuyến cáo.
"Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, chúng ta phải phòng bệnh bằng phương pháp không đặc hiệu. Tức là giữ gìn vệ sinh môi trường thông thoáng, tránh muỗi đốt, vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ vì virus viêm màng não tồn tại ở tay và miệng, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt".
Bác sĩ Điển cũng nhấn mạnh, thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 là thời gian bệnh viêm màng não gia tăng. Do đó, các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý để phòng bệnh cho con mình cũng như cho cả cộng đồng.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Bố mẹ quên tiêm vắc-xin, con bị biến chứng viêm não, viêm màng não tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].