Sinh ra trong một gia đình có truyền thống theo nghề tiếp viên hàng không, bố mẹ Vy không muốn con gái theo đuổi các ngành nghệ thuật.
Thậm chí, Vy nói, “Bố thuyết phục không được nên phản đối ra mặt. Còn mẹ em rất gay gắt với nghề cầm máy, cho rằng nó mạt hạng, phải lăn lê bò toài dưới đất chụp ảnh cho người khác...". Tuy nhiên, Vy đã không theo ý bố mẹ để bỏ qua đam mê thực sự của bản thân.
Vy đã trúng tuyển vào khoa Nhiếp ảnh - trường Đại học Sân khấu điện ảnh và để thay đổi suy nghĩ của bố mẹ về môn nghệ thuật này, Vy đã xây dựng mục tiêu mới - danh hiệu thủ khoa đầu ra.
Năm hai đại học, Vy cùng nhóm bạn mở studio riêng để vừa có thêm thu nhập, vừa rèn nghề. Ngoài ra, cô gái trẻ còn thử sức ở nhiều công việc như sản xuất phim, đóng phim ngắn, sitcom, làm make up và mẫu ảnh.
Khi thời gian làm bài tốt nghiệp bắt đầu, Vy lên quyết tâm: "Em đặt mục tiêu thủ khoa đầu ra và đã đến lúc phải dồn hết tâm huyết, khả năng để hoàn thành mục tiêu đó".
Nhân vật được Vy lựa chọn để thực hiện tác phẩm tốt nghiệp đó là họa sĩ mắc bệnh tâm thần Nguyễn Như Ý, người nổi tiếng trong giới mỹ thuật. Mất khoảng 2 tháng để hoàn thành bộ ảnh.
Câu chuyện về một đời người đàn ông được Vy bóc trần qua từng lớp lang, góc cạnh. Nhờ Vy, Ý "điên" mới có dịp ôn lại cuộc đời mình một cách dung dị và an yên như thế!
Vy khẳng định, trong quá trình thực hiện tác phẩm, Vy không gặp nhiều khó khăn thậm chí nhân vật Ý còn rất vui vẻ khi Vy đến. Còn về phía Vy, Vy không cảm thấy sợ hãi và xa lánh hay toát lên lòng thương xót cho số phận. Vy chia sẻ: "Chỉ cần có người tới cùng trò chuyện là anh đã vui rồi. Hơn nữa, em đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, trò chuyện, ăn cơm và ngồi xem anh vẽ tranh nên ngay cả khi em cầm máy ảnh lên, anh Ý vẫn tự nhiên".
Mở đầu bài viết về bộ ảnh "Ý điên" của mình, Vy mô tả Ý một cách "trần trụi": "Đến xã Đức Hòa ở Sóc Sơn Hà Nội, hỏi Ý “điên” thì ai cũng biết. Ý thường cởi trần, mặc độc chiếc quần jean cắt ống, Ý chỉ còn một chân, sau vụ tai nạn giao thông, thường đi đất, di chuyển bằng cách nhảy lò cò nhiều hơn là mang nạng.
Thế nhưng "Lần đầu gặp nhân vật Ý điên, tôi cảm nhận được một sự thân quen và một năng lượng đặc biệt toả ra từ con người này, không phải bởi sự kết nối những con người yêu cái đẹp, yêu nghệ thuật với nhau, mà bởi ở ông luôn có một sự gần gũi vô hình, giầu tình người với sự cảm thông và chia sẻ.
Do vậy, ngay giây phút đầu tiên khi bước vào khoảng sân với đầy những bức tượng, gốc cây kì quặc, những bức tranh trên vải, trên gỗ thô mộc, tôi đã được ông chào đón như những người bạn tri kỉ.
Ông cũng đã yêu, một tình yêu không so đo tính toán. Mọi người bảo ông điên mới đi yêu một người con gái bệnh tật, đó là người vợ đầu của ông, và bà cũng nửa mê, nửa tỉnh như ông."
Bộ ảnh "Ý điên" với 22 bức ảnh mô tả chân thực cuộc sống của họa sỹ mắc bệnh tâm thần Nguyễn Như Ý nhận được "cơn mưa lời khen" từ phía thầy cô, khách mời, anh chị khóa trước. Vy đã chinh phục các thầy trong hội đồng chấm thi để trở thành thủ khoa đầu ra ngành Nhiếp ảnh của Đại học Sân khấu điện ảnh.
Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Nguyễn Thành, giảng viên Đại học Sân khấu điện ảnh nói, "Sự đam mê rất cần thiết trong nghệ thuật và Vy thể hiện được điều đó, đặc biệt trong bộ ảnh Ý điên. Không khó để lột tả được bề ngoài của nhân vật này nhưng rất khó để có được tấm ảnh diễn tả nội tâm, cái điên của nhân vật. Vy đã làm nó trọn vẹn".
Bộ ảnh "Ý điên" của Đỗ Vy:
(Ảnh: FB Đỗ Vy)
Mai ChiBạn đang xem bài viết Bộ ảnh 'Ý điên' về họa sỹ mắc bệnh tâm thần đạt điểm 10/10 của nữ sinh Sân khấu điện ảnh tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].