Không chỉ là phóng viên thời sự quốc tế, phóng viên thể thao, bình luận viên bóng đá, Trương Anh Ngọc còn là tác giả với những đầu sách gây tiếng vang như 'Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu', 'Phút thứ 90++'...
Anh đi nhiều nước, có nhiều trải nghiệm với các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là có một thời gian dài sống ở nước Ý, 'thấm' văn hóa của đất nước văn minh này.
BLV Trương Anh Ngọc đã dành cho Gia Đình Mới cuộc phỏng vấn về một trong những tình huống trớ trêu nhất khi bố chăm con: khi ở bên ngoài, con muốn đi vệ sinh thì bố không biết nên cho con đi nhà vệ sinh nam hay nữ, tương tự khi người mẹ đưa con trai đi chơi mà bé lại có 'nhu cầu'.
PV: Theo anh, việc hiện nay nhiều ông bố đưa bé gái vào nhà vệ sinh nam hoặc mẹ đưa bé trai vào nhà vệ sinh nữ có thể ảnh hưởng như thế nào với trẻ, gây bất tiện gì với những người xung quanh?
Trương Anh Ngọc: Gây bất tiện với những người xung quanh thì chắc chắn là có rồi. Một ông bố vào toilet nữ để cho con gái nhỏ đi vệ sinh chắc chắn sẽ khiến những người phụ nữ trong đó cảm thấy mình bị xâm phạm sự riêng tư bởi một người đàn ông khiếm nhã và thiếu giáo dục.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với giới kia, khi một người phụ nữ cho con trai mình vào toilet nam.
Đương nhiên, chẳng ai thích vào nhà vệ sinh khác giới nếu như không vì con cái họ, nhưng việc ngược lại, là bố đưa con gái vào toilet của nam hoặc mẹ đưa con trai vào toilet nữ để đi vệ sinh cũng vô cùng phản cảm và dễ đụng chạm.
Tóm lại là kiểu gì cũng có thể gây phiền đến một ai đó và có thể gây tranh cãi. Vì chuyện này thực ra rất tế nhị. Đấy là lý do tại sao việc dạy trẻ tự đi toilet quan trọng đến mức nào.
PV: Là một người đã từng đi nhiều, tiếp xúc với nhiều người ở các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt dành thời gian khá dài ở Ý, theo quan sát của anh, những tình huống tương tự ở nước ngoài được xử lý ra sao? Liệu chúng ta có thể học tập được điểm gì ở họ?
Trương Anh Ngọc: Những chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở nước ngoài. Người ta cũng đã từng tranh cãi về việc này, nhưng việc tranh cãi ấy nghiêm túc hơn.
Ý thức của các bậc cha mẹ Phương Tây với con cái và với những người khác cùng sử dụng nhà vệ sinh tốt hơn và rõ ràng hơn chúng ta, vì họ hiểu được tác động của giáo dục giới tính với trẻ quan trọng đến mức nào.
Sự cảnh giác của xã hội bên đó với các vấn đề này cũng rất lớn. Một người đàn ông dắt một bé gái vào toilet nam, hoặc ngay cả toilet nữ, có thể dẫn đến những suy đoán của người chứng kiến, rằng rất có thể có một trường hợp ấu dâm sắp xảy ra.
Một người bố, trước khi đưa con vào những nơi như vậy, cũng có thể sẽ phải suy nghĩ rất nghiêm túc về việc con mình có thể tò mò điều gì đó về nam giới hoặc sẽ gây ra sự tức giận của những người đàn ông đang đi vệ sinh trong đó hay không.
Thường thì họ vẫn đưa con vào nhà vệ sinh, nhưng chỉ trong trường hợp con họ thực sự bé và cần sự trợ giúp, còn nếu con họ đã lớn rồi, họ có thể chờ con ở cửa toilet và nói 'bố/mẹ đang chờ con ở đây nhé'. Như thế nó sẽ yên tâm đi vào trong.
Bản thân những đứa trẻ ấy, từ khi còn nhỏ, đã được dạy kỹ càng về sự khác biệt giới tính, được dạy về việc làm thế nào để bảo vệ bản thân mình trước những nguy cơ có thể xảy ra.
Điều chúng ta cần học ở họ là dạy trẻ tự đi toilet từ khi chúng còn nhỏ, tức là dạy chúng các kỹ năng cơ bản của việc sử dụng bô hoặc toilet, nếu cần thì ta hỗ trợ chúng; học ở cách bố mẹ phải dạy chúng về cơ thể cũng như sự khác biệt cơ thể bé trai và bé gái.
Câu chuyện đi vệ sinh của trẻ thực ra là câu chuyện của người lớn có ý thức trong việc dạy con sự tự lập từ khi chúng còn nhỏ. Giáo dục giới tính cũng là một phần trong câu chuyện này.
Đừng vì quan niệm Á Đông hoặc vì không nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc dạy con tự lập và giáo dục giới tính mà khiến chúng phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ cả trong việc đi vệ sinh!
PV: Kinh nghiệm của anh về việc xử lý những tình huống tương tự như thế nào? Liệu có câu chuyện ‘dở khóc dở cười’ nào mà anh còn nhớ hay từng chứng kiến không?
Trương Anh Ngọc: Toilet trong nhà thực ra chẳng khác mấy so với toilet công cộng trong các trung tâm thương mại hoặc các quán ăn.
Chỉ có khác là người sử dụng phải chia sẻ không gian ấy với nhiều người khác, nghĩa là bố mẹ phải hình dung rõ được những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến con mình về mặt tâm sinh lý, nhất là trẻ khác giới, khi vào toilet.
Nhà tôi thì không có vấn đề tế nhị này. Vợ chồng tôi dạy con tự ngồi bô, rồi sau đó khi nó bắt đầu lớn hơn thì tự đi toilet khi nó có 'nhu cầu'.
Nó được dạy cách giật nước và làm gì để vệ sinh cho mình sau khi 'giải quyết' xong (Đương nhiên, có những 'sai số' mà ta cần chấp nhận, là không phải lúc nào đứa bé cũng vệ sinh sạch, nhưng không thể vì thế mà ta tự làm cho nó. Chuyện này đòi hỏi phải có lòng kiên nhẫn).
Khi nó lớn cũng là lúc chúng tôi chuyển sang Ý công tác thì thường xuyên xảy ra chuyện là cả nhà đang đi chơi thì nó xin đi vệ sinh. Tôi luôn được vợ giao nhiệm vụ đưa con đi vệ sinh.
Cách giải quyết của tôi rất đơn giản: nếu trong trung tâm thương mại thì tôi dắt cháu đến nhà vệ sinh nữ, và để cháu tự vào, tôi đứng chờ ở ngoài.
Nếu nhà tôi đang đi ngoài phố thì tôi dắt cháu đến một quán cà phê hoặc quán ăn nào đó xin đi nhờ.
Người nước ngoài thường rất quý trẻ con. Họ chẳng nỡ lòng nào để một đứa trẻ bĩnh ra quần. Con tôi cứ thế mà sử dụng toilet thôi.
Sau đó nó cũng biết phải rửa tay, lau tay hoặc sấy khô tay như thế nào. Quan trọng là ta phải dạy con trẻ làm những điều này.
Chuyện xin đi nhờ này thực ra là một kỹ năng cơ bản của việc đi du lịch. Chuyện này thì đến nhiều người lớn khi đang đi chơi ở các thành phố nước ngoài và có nhu cầu cũng không biết phải xử lí như thế nào, vì các nhà vệ sinh công cộng rất hiếm.
Nhưng nếu chỉ cần đến một quán cà phê nào đó, uống một cà phê hoặc mua một chai nước thì đương nhiên là bạn được sử dụng toilet (đi nhờ thì 99% khả năng họ sẽ từ chối bạn).
PV: Trong thực tế nhiều phụ huynh Việt Nam hiện nay chưa chú trọng việc dạy cho trẻ tự đi vệ sinh từ khi còn nhỏ? Việc ‘xi tè’ cho trẻ có thật sự cần thiết hay không? Theo kinh nghiệm của anh, phụ huynh có thể dạy trẻ như thế nào?
Trương Anh Ngọc: Theo tôi, việc xi tè là không ổn. Ta không thể dạy trẻ bằng phản xạ Pavlov được mà phải bằng cách chính ta và trẻ làm quen với những phương pháp hiện đại hơn, chứ không theo kiểu như ông bà ta vẫn làm.
Con tôi từ bé chưa bao giờ phải xi tè cả, vì chúng tôi theo dõi nó và biết được khi nào nó buồn tè thông qua các dấu hiệu để rồi chúng tôi cho nó ngồi bô.
Khi nó còn bé, ban đêm chúng tôi không xi tè mà dùng bỉm cho nó. Nó đã quen ngồi bô rồi, khi có nhu cầu, nó sẽ tự ra đó ngồi chứ không cần phải xi.
Xi tè rất phản khoa học và thậm chí khiến chúng ta mệt mỏi, đồng thời có thể làm gia tăng sự phụ thuộc của trẻ vào tín hiệu của ta, từ đó giảm bớt sự tự giác của chúng.
Tôi từng gặp những trường hợp trẻ đã 3-4 tuổi, nhưng đêm nào mẹ cũng phải xi tè. Đấy chỉ là một trong số những điều mà bà mẹ đã làm cho con, trong khi hoàn toàn có thể dạy nó tự làm.
PV: Liệu việc phụ huynh chưa dạy trẻ tự đi vệ sinh, cho trẻ đi vệ sinh ngay ngoài nơi công cộng trước ánh mắt nhiều người qua lại có phải hệ quả của việc thiếu sự giáo dục giới tính hay không? Theo anh giáo dục giới tính cho trẻ từ khi còn nhỏ đóng vai trò như thế nào trong vấn đề này?
Trương Anh Ngọc: Đó là hệ quả trực tiếp của tư duy sinh hoạt tùy tiện, nhếch nhác và thiếu ý thức, nhưng cũng là sự coi nhẹ chuyện giáo dục giới tính đối với con cái.
Nhiều cha mẹ, dù là có học thức rất cao, vẫn coi nhẹ chuyện này, cho rằng nó không quan trọng, nhưng điều này lại có tác hại lớn.
Xi tè ngoài nơi công cộng không chỉ cho thấy họ coi thường không gian sinh hoạt cộng đồng, không chỉ khiến con cái họ phơi bày ra trước thiên hạ trong cảnh 'không đẹp lắm', mà hiện tại thì tệ ấu dâm đang khá nhức nhối, mà còn triệt tiêu việc dạy trẻ tự lập từ sớm.
Trẻ càng tự lập sớm thì càng tốt cho nó và cho chính cha mẹ sau này.
Xin trân trọng cảm ơn anh!
Mai HoaBạn đang xem bài viết BLV Trương Anh Ngọc chia sẻ cách cho trẻ đi vệ sinh khi đang ở nơi công cộng tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].