Nhật Bản nổi tiếng với những nhà vệ sinh sạch sẽ, toilet công nghệ cao, đáp ứng mọi nhu cầu của người sử dụng, ví dụ như ghế ngồi cho trẻ em, bục thay đồ để bạn không phải giẫm chân trần lên sàn toilet, v.v.
Toilet là một phần quan trọng trong văn hóa của đất nước này đến nỗi công ty Toto – hãng sản xuất đồ nội thất vệ sinh nổi tiếng đã xây dựng một bảo tàng trị giá 60 triệu đô la Mỹ để trưng bày các sản phẩm của mình trong suốt 100 năm qua.
Gia Đình Mới xin gửi tới độc giả 4 điều thú vị bạn cần biết về văn hóa nhà vệ sinh của người Nhật, chắc chắn sẽ làm bạn bất ngờ.
Ứng dụng tìm nhà vệ sinh
Ở Nhật có rất nhiều ứng dụng giúp bạn tìm được nhà vệ sinh công cộng gần nhất hoặc những nơi có thiết bị đặc biệt.
Lion, công ty sản xuất thuốc tiêu chảy cùng nhiều sản phẩm vệ sinh cá nhân có một app @Toilet dành riêng cho những người cần ‘giải quyết’ ngay lập tức khi đang đi đường – bạn chỉ cần ấn vào nút ‘Khẩn cấp’, nó sẽ chỉ cho bạn nơi bạn cần đến.
Tổ chức phi chính phủ NPO Check điều hành một ứng dụng miễn phí có tên gọi Check a Toilet (Tạm dịch: Kiểm tra phòng vệ sinh), liệt kê 53.000 toilet ở những thành phố lớn.
Nó hiển thị các thông tin cần biết về mỗi nhà vệ sinh, bao gồm liệu toilet đó có dành cho người khuyết tật không hoặc có các thiết bị thân thiện với người già không.
Không chỉ dừng lại ở đó, công ty bản đồ nổi tiếng của Nhật là Zenrin còn phát triển một ứng dụng dành riêng cho phụ nữ với tên gọi Bản đồ Koisuru – Bản đồ Tình yêu, với thông tin về những nhà vệ sinh sạch, các tiệm làm móng và quán café.
Ứng dụng này cũng báo với người sử dụng những thông tin quan trọng với phụ nữ như nhà vệ sinh đó có chỗ trang điểm, ổ cắm điện và chỗ thay bỉm hay không.
Các nhân viên nữ của Zenrin thường xuyên đến thăm và đánh giá từng nhà vệ sinh trước khi đưa vào danh sách.
Phong tục thờ ‘thần hố xí’
Nghi thức thờ 'thần hố xí' ở Shinagawa, Tokyo
Theo truyền thuyết của Nhật, Kawaya-no-kami, vị ‘thần hố xí’ được sinh ra từ chất thải của Izanami, nữ thần Đất và bóng tối.
Trước khi sử dụng hố xí tự hoại, người Nhật dùng chất thải làm phân bón, vì thế thần Kawaya-no-kami được cho là mang lại mùa màng bội thu và bảo vệ mọi người không rơi vào hố xí.
Nhà vệ sinh của Nhật thường là một phòng riêng biệt trong ngôi nhà và có cắm hoa để làm vui lòng vị ‘thần hố xí’ này.
Thậm chí, với nhiều người Nhật, nhà vệ sinh còn là bộ mặt của cả ngôi nhà.
Những nghi lễ trong nhà vệ sinh
Một số vùng ở Nhật đôi khi tổ chức các phong tục đặc biệt liên quan đến toilet.
Ví dụ, ở quận Aichi có truyền thống benjo-biraki, nghĩa là ‘khai trương nhà vệ sinh’ nhằm tôn vinh vị ‘thần hố xí’.
Phong tục này đã lên báo năm 2015 khi Tờ Asahi Shimbun đăng tin tại Đại học Nagoya Bunri ở Aichi, một nhóm học sinh đặt đệm lên bệ xí rồi từng người, trong đó có cả Hiệu trưởng ngồi lên đệm, thực hiện nghi lễ ăn bánh và thưởng trà.
Yuichi Oie, một học sinh năm cuối của trường cho biết: ‘Đây là một sự kiện đặc trưng của địa phương. Chúng tôi hy vọng có thể đem truyền thống này quảng bá cho quê hương mình’.
Chính phủ Nhật khởi động ‘cuộc thi nhà vệ sinh’
Văn hóa sử dụng nhà vệ sinh ở Nhật còn được chính phủ đẩy lên thành một vấn đề về nữ quyền.
Năm 2015, chính phủ Nhật đã phát động Giải thưởng Toilet Nhật Bản, một phần trong chiến dịch cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách nâng cấp nhà vệ sinh, mặc dù nhà vệ sinh Nhật gần như luôn sạch sẽ và không thiếu thứ gì.
Mục đích của chiến dịch này là đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, an toàn và giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất: Làm sao để mọi người không còn xếp hàng dài trước cửa nhà vệ sinh nữ.
Bà Haruko Arimura, Bộ trưởng phụ trách bình đẳng giới của Nhật phát biểu: ‘Phụ nữ sẽ bị hạn chế trong công việc và tham gia các hoạt động xã hội nếu không có những môi trường nơi phụ nữ được sử dụng cơ sở vật chất vệ sinh phù hợp’.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng nhận định: ‘Cải thiện toilet công cộng là một cách để khuyến khích phụ nữ ra ngoài làm việc, phát huy tài năng và Nhật Bản còn có thể làm nhiều hơn thế.’
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Nhà vệ sinh ở Nhật sạch sẽ, hiện đại nhất thế giới, có ứng dụng tìm toilet gần nhất tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].