Thập tử nhất sinh sau vụ tai nạn kinh hoàng năm lớp 6
Nguyễn Anh Nhi (SN 2000, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) so với chúng bạn cùng tuổi thấp, bé hơn nhiều nên được đặt biệt danh "Nhi còi". Nguyên nhân là bởi, năm lớp 6, sau giờ tan học, trên đường về, Nhi bị tai nạn nghiêm trọng khi va chạm với xe tải chở cát.
Nhi được đưa ra bệnh viện Việt Đức với tổn thương rất nặng: đụng dập và mất toàn bộ tổ chức thành bụng, đại tràng và ruột non tổn thương trên nhiều đoạn, mất rất nhiều máu trong ổ bụng.
Biên bản phẫu thuật ghi chỉ định: Cắt toàn bộ đại tràng, toàn bộ tử cung buồng trứng 2 bên, một phần bàng quang và niệu quản. Đặc biệt, bệnh nhân mất hầu hết thành bụng nên sau mổ bệnh nhân được đặt miếng gạc che tạm các nội tạng bên trong để chăm sóc.
Cả gia đình lẫn các bác sĩ đều chuẩn bị tinh thần cho tình trạng xấu nhất của Nhi.
Thế nhưng, thật may mắn, sau phẫu thuật, Nhi đã dần tỉnh lại.
8 năm, 23 cuộc phẫu thuật đầy đau đớn
PGS.TS Nguyễn Đức Chính – Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, bệnh viện Việt Đức - người đã theo sát Nhi từ những ngày đầu tiên Nhi nhập viện, đồng thời là người trực tiếp điều trị và phẫu thuật cho Nhi chia sẻ: Trong nhiều năm cầm dao mổ, tôi chưa gặp ca bệnh nào như bệnh nhân Nhi. Đây là ca bệnh rất phức tạp ở chỗ có nhiều tổn thương cùng lúc xử lý ở cô bé rất nhỏ. Hơn nữa, Nhi mất toàn bộ thành bụng nên việc chăm sóc và sửa chữa như là điều không tưởng.
"Chúng tôi dùng miếng lưới (mesh) che phủ nội tạng và đã có hiệu quả. Qua nhiều quá trình chăm sóc, tổ chức hạt mọc và tạo thành thành bụng mới như bây giờ. Tuy nhiên thành bụng này không hề có cơ, cân... và những thành phần giữ như cấu tạo thành bụng bình thường".
8 năm, với Nhi, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, bệnh viện Việt Đức đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của em. 8 năm đó, Nhi trải qua 23 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, có những cuộc phẫu thuật phải có sự hội chẩn của các bác sĩ Mỹ, Đài Loan.
"Thời gian đầu tiên, các bác sĩ Mỹ cũng lo ngại bệnh nhân sẽ khó phục hồi bởi em còn quá nhỏ. Thế nhưng, với sự quyết tâm của gia đình Nhi và bản thân cô bé đã tạo động lực để chúng tôi đồng hành chữa trị cho em" - bác sĩ Chính nhớ lại.
Vượt đau đớn, cô bé mơ ước thành bác sĩ trong tương lai
Chị Phạm Thị Ngọc, mẹ của Nhi xúc động kể, cả gia đình thấy Nhi dần tỉnh lại và hồi phục thì đã vô cùng hạnh phúc bởi Nhi thoát "án tử". Thế nhưng, cả chị và chồng đều rất bất ngờ và càng thương con gái nhiều hơn khi Nhi mong muốn được tới trường.
"Thấy các bạn tới trường, còn mình phải ở nhà, Nhi lúc nào lúc buồn, mặt bần thần. Khi được bố mẹ quyết định đồng ý cho Nhi tới trường, học sau các bạn 1 năm, Nhi vui lắm. Nhưng thú thực rằng, lòng bố mẹ rối bời bởi sức khỏe của con yếu.
Nhi từ 1 cô bé nặng 30kg, tụt xuống còn 17 kg. Để đến trường, thời gian đầu, bố mẹ phải bế Nhi lên xe, bế Nhi vào lớp. 1 năm đầu tiên, bố Nhi ngày 4 lần ở trường để đưa Nhi vào nhà vệ sinh. Hình ảnh Nhi ngồi học, dây nhợ đầy mình khiến cả bố mẹ, thầy cô đều rất thương".
Điều đáng khâm phục, là dù đi viện nhiều hơn ở nhà, nhưng Nhi luôn chú ý tới việc học. Thời gian đi viện, Nhi nhờ thầy cô, bạn bè gửi bài tập qua facebook, ở viện, những lúc bớt đau, Nhi đều học bài.
"Từ khi nào không biết nữa, em cảm phục các bác sĩ đã cứu em khỏi lưỡi hái tử thần nên em luôn nỗ lực để thi đỗ trường Y, trở thành người bác sĩ giỏi, cứu chữa những người bệnh như em đã từng".
Việt LinhBạn đang xem bài viết Kỳ diệu: Tai nạn thập tử nhất sinh, trải qua 23 cuộc phẫu thuật, cô gái vẫn đỗ Đại học Y tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].