Bị sốt xuất huyết, khi nào cần nhập viện?
Theo các chuyên gia y tế, người mắc sốt xuất huyết mức độ nhẹ có thể được theo dõi điều trị ngoại trú tại nhà.
Các biện pháp điều trị tại nhà chủ yếu là nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt Paracetamol nếu có sốt cao, uống nhiều nước (từ 2 - 3 lít nước/ngày, có thể uống Oresol hoặc nước hoa quả…), vitamin các loại và dinh dưỡng hợp lý. Không uống các loại thuốc hạ sốt khác như Aspirin, Ibubrofen… vì làm tăng nguy cơ xuất huyết.
Trong quá trình điều trị tại nhà, người bị sốt xuất huyết cũng cần chú ý theo dõi, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng, gồm: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; gan to và đau; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, ỉa phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, nước tiểu ít; xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh…
Nếu phát hiện có các dấu hiệu trên, người bệnh cần nhập viện để theo dõi điều trị ngay lập tức vì có nguy cơ diễn tiến nặng (vào sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng), thậm chí tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
Hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa, do đó, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh môi trường, xóa bỏ các ổ nước đọng trong nhà và xung quanh nơi ở, diệt loăng quăng (bọ gậy), phun thuốc diệt muỗi, tránh muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, mặc quần áo dài và các biện pháp xua muỗi khác.
Hơn 1.400 ca mắc sốt xuất huyết trong một tuần
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21/10), số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.Hà Nội lại tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) và có thêm 38 ổ dịch.
Cụ thể, trong tuần qua, có 1.420 ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đan Phượng (251 ca), Thanh Oai (142 ca), Phú Xuyên (89 ca), Nam Từ Liêm (79 ca), Đống Đa (63 ca).
38 ổ dịch SXH mới trong tuần qua được ghi nhận tại 16 quận, huyện: Thanh Oai (7), Thanh Trì (6), Bắc Từ Liêm (5), Đan Phượng (4), Đống Đa (2), Thanh Xuân (2), Phúc Thọ (2), Hoài Đức (2), Đông Anh (1), Hà Đông (1), Thạch Thất (1), Nam Từ Liêm (1), Hai Bà Trưng (1), Chương Mỹ (1), Mê Linh (1), Quốc Oai (1).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong; có 720 ổ dịch SXH đã được báo cáo, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn. Dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
Trong các tháng 11, 12 tới có thể sẽ là đỉnh điểm của sốt xuất huyết và nguy cơ dịch chồng dịch khi COVID-19 vẫn đang tồn tại, thêm vào đó là bắt đầu vào mùa của một số bệnh gây dịch mùa đông khác như cúm, sởi, thủy đậu, adenovirus…
An AnBạn đang xem bài viết Khi nào thì người bị sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].