Ngày 29/3, bệnh viện E thông tin, bệnh viện vừa tạo hình thanh quản thành công cho bệnh nhân bằng kỹ thuật mới.
Bệnh nhân là L.G.T (50 tuổi, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng giọng nói gần như mất hoàn toàn và đã 2 lần phẫu thuật thanh quản. Bệnh nhân có “thâm niên” hút thuốc từ khi mới 15 tuổi và nghiện nặng với số lượng hút hơn 2 bao/ngày, hơn nữa còn thường xuyên uống rượu.
Cách đây 4 năm, bệnh nhân có dấu hiệu khàn cổ, ho nhiều, giọng nói thay đổi, tình trạng ngày càng nặng bệnh nhân bị mất tiếng, hụt hơi và lúc nào cũng có cảm giác có vật gì vướng trong cổ họng, đi khám tại cơ sở y tế tuyến dưới và được chẩn đoán ung thư thanh quản. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mổ vét hạch và cắt u thanh quản.
Sau phẫu thuật một năm, sức khỏe bệnh nhân giảm sút nghiêm trọng, giọng nói gần như mất hẳn, chỉ có tiếng kêu ú ớ… Bệnh nhân được các bác sĩ tuyến dưới chỉ định mổ lại lần 2 nhằm mở khí quản do hẹp khít thanh quản.
Đây là một biến chứng thường gặp sau các phẫu thuật ở vùng thanh quản hoặc sau các chấn thương thanh quản do tác động bên ngoài hoặc tác động từ bên trong (đặt ống nội khí quản kéo dài…), nhưng lại là biến chứng nặng, khó xử lý.
Các bác sĩ sử dụng kỹ thuật cắt dính bên trong thanh quản bằng dao mổ laze tiến hành lắp ống thở và nong thanh quản cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân phải đeo dụng cụ nong thanh quản liên tục rất bất tiện và xuất hiện các cơn ho kéo dài, việc hít thở trở nên khó khăn, lúc nói thì câu được câu chăng, thậm chí gần như bị câm… vì phát âm không thành tiếng. Chính vì vậy, bệnh nhân đã tìm đến Bệnh viện E với mong muốn tìm lại được giọng nói.
Sau thăm khám và làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ khoa Tai mũi họng, khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế (Bệnh viện E) quyết định lựa chọn phương pháp tạo hình thanh quản phục hồi giọng nói cho bệnh nhân.
PGS.TS Lê Minh Kỳ - Chuyên gia cao cấp của khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế, Bệnh viện E cho biết: BV đã quyết định cho bệnh nhân thực hiện kỹ thuật tạo hình lại thanh quản bằng chính tổ chức của cơ thể. Kỹ thuật này hầu như chưa được thực hiện cho người bệnh có sẹo hẹp thanh quản ở Việt Nam.
Đây là một kỹ thuật khó thường được chỉ định và thực hiện cho bệnh nhân bị ung thư thanh quản để các bác sĩ đồng thời phẫu thuật cắt bỏ khối u và tạo hình thanh quản trong một lần.
Ưu điểm của kỹ thuật này không sử dụng vật liệu “lạ” mà các bác sĩ phải sử dụng sụn thanh thiệt để tạo hình thanh quản mới sau khi cắt bỏ sẹo hẹp thanh quản cho người bệnh. Người bệnh sẽ không bị những cơn ho hành hạ như trước.
Tuy nhiên, cái khó của ca phẫu thuật tạo hình này chính là sự khéo léo của phẫu thuật viên phải tính toán để tạo hình thanh quản mới không quá rộng sẽ gây sặc thức ăn vào đường thở và không quá hẹp gây khó thở cho người bệnh.
Đặc biệt, sau khi tạo hình, nguy cơ ít tái phát lại sẹo hẹp thanh quản và quan trọng nhất là chức năng thanh quản được đảm bảo, người bệnh thở được bằng đường tự nhiên, nói được ngay sau mổ…
PGS Kỳ khẳng định: Đây thực sự là một giải pháp hữu hiệu trong điều trị các biến chứng thường gặp sau phẫu thuật lấy khối u ở thanh quản cho người bệnh ung thư thanh quản. Nhờ được tạo hình thanh quản nên giọng nói của bệnh nhân được phục hồi tối đa, tự hít thở được và trở về cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường.
Dấu hiệu nhận biết ung thư thanh quản
Theo các bác sĩ chuyên khoa, các triệu chứng ung thư thanh quản nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 80%, nhưng đa phần các trường hợp chủ quan và thiếu hiểu biết nên bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn.
Vì vậy, các bác sĩ cảnh báo, nếu chứng khản tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi trên 40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời.
Hoặc nếu xuất hiện các bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan… đây cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh ung thư thanh quản do vậy nên cẩn trọng. Khi mắc bệnh này, chứng ho kín đáo hơn và mang tính chất kích thích, đôi khi có từng cơn ho kiểu co thắt.
Ở giai đoạn muộn bệnh nhân còn thấy nuốt khó, sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở gây nên những cơn ho sặc sụa. Người bệnh có biểu hiện khó thở có thể xuất hiện sớm hoặc cùng lúc với khàn tiếng.
Kích thước khối u ngày càng tăng thì khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp. Lúc đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức (lên cầu thang, mang vật nặng…), nhưng càng về sau, hiện tượng càng có biểu hiện rõ rệt và thường xuyên hơn. Thường xuất hiện sau chứng khàn tiếng và khó thở, lúc này khối u đã lan ra vùng hầu họng kèm theo dấu hiệu đau tai.
Bệnh nhân ở giai đoạn này không ăn cơm được, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, thậm chí phải đặt ống sonde dạ dày để bơm thức ăn. Sút cân không rõ nguyên nhân kèm theo những bất thường nói trên là bằng chứng rõ ràng cho bệnh ung thư thanh quản.
Do đó, người bệnh cần lưu ý thăm khám kịp thời ở bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng để xác định tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bệnh viện E: Tạo hình thanh quản phục hồi giọng nói cho bệnh nhân tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].