Người già dễ mắc bệnh viêm phổi vào mùa lạnh: Nguyên nhân do đâu và cách phòng ngừa thế nào?

Bệnh viêm phổi ở người già có thể xảy ra bất cứ mùa nào, nhưng mùa đông lạnh sẽ dễ mắc hơn. Nguyên nhân do đâu và làm thế nào để phòng bệnh viêm phổi trong mùa lạnh?

Bệnh viêm phổi là gì?

Bệnh viêm phổi là viêm các phế nang trong phổi do một tổn thương nào đó gây nên. Hai phế nang chứa nhiều dịch nhầy hoặc mủ, xuất tiết dịch đường hô hấp trên gây ho đờm, sốt ớn lạnh, khó thở.

Bệnh hay gặp nhất là nhiễm trùng bởi vi khuẩn, virus, vi nấm. Viêm phổi có thể ở một vùng hoặc ở một vài vùng (viêm phổi thuỳ hoặc đa thùy) hoặc toàn bộ phổi.

Xem thêm: 

Vì sao người già dễ mắc bệnh viêm phổi vào mùa lạnh?

Mùa đông lạnh là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh dễ phát triển, trong đó có các vi sinh vật gây bệnh ở đường hô hấp.

Mà ở đường hô hấp trên có rất nhiều loại vi khuẩn thường xuyên ký sinh ở đó (phế cầu, não mô cầu, tụ cầu, liên cầu, vi nấm,..), khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm vì một lý do nào đó (mắc bệnh nhiễm trùng nào đó, cảm lạnh, dinh dưỡng kém,..), chúng sẽ phát triển và gây bệnh, đặc biệt ở người già, sức khỏe suy yếu.

Thêm nữa, đa số người già thường có mắc một số bệnh mãn tính như thoái hóa khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn, giãn phế quản… Mà các loại bệnh này về mùa lạnh thường tái phát hoặc nặng thêm, càng làm cho sức khỏe suy giảm dễ mắc viêm phổi.

Do đó, trong mùa đông lạnh, nếu người cao tuổi mặc không đủ ấm, ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, tắm rửa bằng nước lạnh, phòng ngủ có gió lùa, thiếu chăn, đệm ấm thì càng dễ mắc bệnh viêm phổi.

Đặc biệt, với những người già có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào hoặc sống ở vùng có nhiều khói bụi, vệ sinh môi trường kém thì càng dễ mắc bệnh viêm phổi trong mùa đông lạnh.

Trong mùa đông lạnh, người già nếu không giữ ấm cẩn thận sẽ rất dễ mắc bệnh viêm phổi. Ảnh minh họa

Trong mùa đông lạnh, người già nếu không giữ ấm cẩn thận sẽ rất dễ mắc bệnh viêm phổi. Ảnh minh họa

Người bị bệnh viêm phổi có triệu chứng gì?

Theo khuyến cáo của bác sĩ BV Bãi Cháy, người cao tuổi khi bị viêm phổi sẽ có một số đặc điểm khác với viêm phổi ở người trẻ tuổi và trẻ em, bao gồm:

  • Viêm phổi ở người cao tuổi ít khi có khởi phát đột ngột, rầm rộ, bệnh thường âm ỉ, không có biểu hiện rõ ràng, các triệu chứng không thật sự điển hình.
  • Người cao tuổi bị viêm phổi thường sốt không cao (khoảng 37,3 – 38 độ C). Có những trường hợp người cao tuổi bị viêm phổi nhưng không sốt (người bị suy dinh dưỡng, suy kiệt, nằm lâu,..).
  • Đa số các trường hợp là sốt có kèm theo rét run (khoảng 30%), đau tức ngực và ho. Người bệnh thấy lạnh, rét phải mặc thêm áo, đắp chăn, sợ gió lùa.
  • Ho, lúc đầu ho khan, vài ngày sau ho có đờm màu xanh, vàng hoặc đục hoặc đôi khi có ít máu (do khi khạc đờm áp lực mạnh làm vỡ một số mao mạch ở họng gây chảy một ít máu). Tuy nhiên, người bệnh thường ho yếu, từng tiếng hoặc cơn ho ngắn.
  • Người bệnh thường có cảm giác tức ngực hoặc đau ngực đi kèm theo ho.
  • Người bệnh thở gấp, nhanh kèm theo có tiếng khò khè và có thể khó thở. Khó thở có thể xảy ra ngay khi gắng sức, khi ho và có thể cả khi nghỉ ngơi.

Do sức đề kháng của người cao tuổi đã suy giảm nên sự thể hiện của bệnh viêm phổi đôi khi không điển hình. Vì vậy, khi thấy ông bà, bố mẹ mệt mỏi, tức ngực, sốt nhẹ, ho cần đưa đến cơ sở y tế khám sớm để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách phòng bệnh viêm phổi cho người già trong mùa đông lạnh 

- Người cao tuổi cần được tiêm vắc-xin phòng cúm và phế cầu hàng năm để phòng bệnh. 

- Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh. Người già cần tránh lạnh đột ngột nên hàng ngày việc tắm, rửa cần có nước ấm, tắm ở buồng kín gió, tắm xong cần lau khô người, đầu tóc, mặc quần áo ngay và không nên tắm lâu. Nếu người cao tuổi sức yếu không tự tắm được, hoặc tinh thần không minh mẫn nên có sự hỗ trợ của người nhà, người giúp việc. 

- Người già cần nhớ đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xức người bệnh, tránh nơi tập trung đông người. Vào mùa lạnh, người già nên hạn chế đi ra đường, nếu công việc không thể trì hoãn, cần thiết mặc ấm, chân tay cần có tất, cổ quàng khăn ấm, đầu đội mũ ấm và đeo khẩu trang. 

- Giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng. 

- Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi. 

- Bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia.  

- Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý. 

- Uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ…

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính