Đột quỵ não là gì?
Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào não. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Xem thêm:
-
Đang ăn cơm bất ngờ bị đột quỵ, 4 dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ não
-
3 điều không nên làm khi phát hiện người thân bị đột quỵ não
Đột quỵ não là căn bệnh cấp tính, đột ngột, có tính chất nguy hiểm cao. Bệnh chia thành 2 loại gồm:
- Đột quỵ nhồi máu não: Còn gọi là thiếu máu não cục bộ là tình trạng động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc hoàn toàn dẫn tới việc lưu lượng máu cung cấp tới não bị giảm đột ngột. Tình trạng này chiếm đại đa số, khoảng 85% ca đột quỵ.
- Đột quỵ xuất huyết não: Còn gọi là xuất huyết nội sọ, là một trường hợp hiếm gặp hơn của đột quỵ (khoảng 15%). Tình trạng này xảy ra khi mạch máu não bị vỡ đột ngột làm máu tràn vào nhu mô não gây tổn thương não.
Vì sao đột quỵ não dễ xảy ra mùa lạnh?
Theo các bác sĩ tim mạch, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh gia tăng. Nguyên nhân là do khi nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Trời lạnh khiến cho mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao dễ gây đứt, vỡ mạch máu não và dẫn đến xuất huyết não.
Một nguyên nhân khác khiến bệnh đột quỵ dễ xảy ra vào mùa đông lạnh là do số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, dẫn đến làm tăng độ cô đặc của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt, ở những người bị xơ vữa động mạch, mức cholesterol cao thì khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu càng cao.
Ngoài ra, vào mùa lạnh mọi người thường lười vận động và ăn uống không lành mạnh. Chính điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn.
Hơn nữa, cuộc sống hiện đại có nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông như: lối sống ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho đột quỵ ngày càng trẻ hóa.
Đặc biệt, những người cao tuổi, mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp thường dễ bị đột quỵ hơn vào mùa lạnh. Bởi đối với người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch và khả năng chịu đựng suy giảm, đồng thời mạch máu không còn đàn hồi, trở nên cứng hơn và độ cô đặc của máu cũng tăng. Điều này khiến máu dễ bị đông và lưu lượng máu đến não giảm.
7 triệu chứng của đột quỵ não
Đột quỵ não có thể gây ra nhiều triệu chứng như:
- Mất thăng bằng, hoa mắt chóng mặt, cử động khó khăn, không thể phối hợp các động tác vận động.
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh, có thể kèm theo buồn nôn hoặc nôn.
- Tầm nhìn bị giảm đột ngột, mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.
- Yếu liệt một bên cơ thể hoặc không thể cử động một bên chân tay. Cách nhận biết chính xác nhất là người bệnh không thể nhấc 2 tay lên cùng 1 lúc.
- Đột nhiên cảm thấy mất sức, cơ thể mệt mỏi.
- Tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó, nhân trung bị lệch.
- Mất khả năng nói hoặc nói nhưng khó phát âm, không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Có thể kiểm tra người bệnh bằng cách yêu cầu người bị đột quỵ lặp lại một câu ngắn bạn vừa nói.
Để phòng ngừa đột quỵ não trong mùa đông lạnh, các bác sĩ khuyến cáo người dân, điều quan trọng đầu tiên là cần giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nên uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy...
Riêng với người bị tăng huyết áp cần kiểm soát tốt chỉ số huyết áp. Khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.
An AnBạn đang xem bài viết Vì sao đột quỵ não dễ xảy ra mùa lạnh, 7 triệu chứng đột quỵ không nên bỏ qua tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].