Số người mắc bệnh sởi đạt mức cao kỷ lục như trên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là chưa từng xảy ra ở Châu Âu trong 10 năm qua. Điều gì đang xảy ra khi bệnh sởi (một bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin) lại bùng phát ở một khu vực có nền y tế vô cùng phát triển?
“Một bi kịch không thể chấp nhận”
Nếu như năm 2016, toàn Châu Âu có tổng cộng 5.273 trường hợp mắc bệnh sởi, thì năm 2017, con số này lên tới 23.927.
Và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, con số bệnh nhân sởi đã tăng gần gấp 2 lần năm ngoái, với số người tử vong là 37 bệnh nhân.
Tiến sĩ Mark Muscat, cán bộ kỹ thuật về các bệnh phòng ngừa được và sử dụng vắc-xin tại Văn phòng khu vực châu Âu của WHO cho biết: “Các đợt bùng phát hiện nay đe dọa tính mạng của trẻ em, người lớn, đe dọa những tiến bộ đã được thực hiện cho đến nay. Đây là một bi kịch không cần thiết và không thể chấp nhận được khi chúng tôi có một vắc-xin an toàn, hiệu quả có sẵn để phòng ngừa bệnh này”.
Theo thống kê của WHO, trong số các quốc gia Châu Âu, Ukraine là nước có người mắc sởi cao nhất, hơn 23.000 người tính từ đầu năm 2018.
Trong khi đó, 6 nước khác có số người mắc trên 1.000 ca bao gồm: Italy, Hy Lạp, Georgia, Nga, Serbia và Pháp.
Tiến sĩ Nedret Emiroglu, giám đốc của nhóm Các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và bệnh truyền nhiễm (WHO) cho rằng: “Sự thoái lui một phần này chứng minh rằng mọi người không được chủng ngừa vẫn dễ bị tổn thương bất kể họ sống ở đâu và mọi quốc gia phải tiếp tục đẩy mạnh phạm vi bảo hiểm và giảm khoảng cách miễn dịch, thậm chí sau khi đạt được trạng thái gián đoạn hoặc đã loại bỏ bệnh”.
Độ bao phủ vắc-xin 95% dân số mới đảm bảo phòng ngừa
Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa dịch bệnh sởi, cần phải có ít nhất 95% dân số được chủng ngừa bệnh này, được gọi là ngưỡng miễn dịch đàn. Nếu độ che phủ giảm xuống dưới 95% ở một số vùng, bệnh sởi có thể lây lan và bùng phát, bất kể các nỗ lực của ngành y tế.
Ở châu Âu, mặc dù tỷ lệ chủng ngừa với hai liều vắc-xin sởi ở trẻ em tăng trong năm 2017, nhưng vẫn còn có sự khác biệt đáng kể trong khu vực. Các nước có mức chủng ngừa thấp - chẳng hạn như ở Đức, Anh, Italia và Pháp - đang khiến các chuyên gia lo lắng.
Phong trào chống vắc-xin (anti-vaccine) cũng đang lan mạnh ở Pháp và Rumani, Italia, nơi có tới 20% dân số tin rằng vắc-xin là không an toàn.
Theo Heidi Larson, Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới Luân Đôn, ở nơi mà phong trào chống vắc-xin đã bắt rễ - như ở Italia - bệnh sởi thường là căn bệnh đầu tiên biểu lộ sự lây lan của nó.
Riêng ở Italia, gần đây chính quyền đã đình chỉ một đạo luật yêu cầu cha mẹ cung cấp bằng chứng rằng con họ nhận được một loạt 10 vắc xin - bao gồm vắc-xin MMR (sởi, quai bị và rubella) - khi đăng ký học ở trường mầm non, mẫu giáo. Điều này được các nhà khoa học cho là nguyên nhân gây bùng phát dịch sởi.
Tiến sĩ Roberto Burioni, giáo sư vi sinh học và virus học tại Đại học San Raffaele ở Milan cho biết: “Hiện nay, những trẻ em không được chủng ngừa sẽ gây nguy hiểm cho các bé khác học cùng trường, đặc biệt với những trẻ quá nhỏ chưa chủng ngừa được hoặc bị các bệnh ức chế miễn dịch”.
Một dự án tiến hành năm 2016 của WHO thống kê cho thấy Châu Âu là nơi người dân hoài nghi nhiều nhất về tính an toàn của vắc-xin. Các nhà khoa học đang nỗ lực giải quyết nguyên nhân của sự hoài nghi, tăng cường chủng ngừa cũng như các giải pháp giám sát dịch bệnh và can thiệp hiệu quả.
Bệnh sởi là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em trên toàn cầu
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cao lây lan từ người sang người bằng cách hít thở không khí bị ô nhiễm hoặc chạm vào một bề mặt bị nhiễm bệnh.
Các triệu chứng có thể bắt đầu với sốt cao, ho, chảy nước mũi hoặc đỏ và chảy nước mắt. Sau 3 đến 5 ngày, phát ban thường xuất hiện.
Bệnh sởi có thể nghiêm trọng và gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hoặc viêm não.
Bệnh sởi là một nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở trẻ em, gây tử vong cho 450 trẻ em trên toàn thế giới mỗi ngày, theo WHO.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Bệnh sởi bùng phát cao nhất trong lịch sử Châu Âu: Đã có 41.000 người mắc, 37 người chết tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].