Thống kê tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cho thấy, mỗi ngày khoa tiếp nhận 5 - 6 ca đột quỵ do nắng nóng.
Theo bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn, khi nắng nóng bất thường, người cao tuổi đặc biệt người có tiền sử huyết áp rất dễ bị sốc nhiệt khi đi ra ngoài trời nắng, nhất là khi thay đổi nhiệt độ đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài trời nắng nóng.
Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bệnh nhân bị tai biến do huyết áp tăng cao đột ngột bất thường. Những bệnh nhân này hầu hết đều được điều trị huyết áp trước đó nhưng không kiểm soát đúng liệu trình, cộng với thời tiết nắng nóng, gây tai biến mạch máu não.
Bác sĩ Trần Anh Thắng cũng cho biết, bệnh nhân bị đột quỵ do nắng nóng nguy hiểm ở chỗ, nhiều người thấy chóng mặt, đau đầu lại chỉ nghĩ là bị say nắng, tìm đủ cách làm giảm triệu chứng, đến khi gọi cấp cứu và đưa vào viện thì đã muộn.
Bởi nếu bệnh nhân đột quỵ không được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 - 4 - 5 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên) thì tỷ lệ tử vong và tàn phế rất cao.
Do đó, để phòng ngừa đột quỵ mùa nóng, các bác sĩ khuyến cáo người dân, nhất là những người đang có bệnh lý về huyết áp cần phải dùng thuốc kiểm soát định kỳ, dùng theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn và phải kiểm tra huyết áp ngày hai lần.
Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc. Và khi có tai biến xảy ra, người bệnh cần được đưa ngay tới các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, giảm nguy cơ tử vong và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Vào những thời điểm nắng gắt trong ngày, người dân cần hạn chế ra ngoài trời nắng, nếu bắt buộc phải ra cần có các biện pháp chống nắng như đội mũ, nón rộng vành, mặc áo chống nắng rộng, nhẹ, thoáng mát…
Đặc biệt, cần duy trì thói quen uống nhiều nước để tránh mất nước, uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Nơi ở và nơi làm việc phải thoáng mát. Khi thấy cơ thể mệt mỏi cần nghỉ ngơi, không làm việc gắng sức, không nên làm việc ngoài trời nắng nóng lúc giữa trưa.
Ngoài ra, mỗi người cần tập cho cơ thể dần thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của mùa hè. Tăng sức đề kháng của cơ thể bằng chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý.
Trước thực trạng bệnh mùa nắng nóng gia tăng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bệnh nhân đột quỵ gia tăng do nắng nóng tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].