Các bác sĩ của khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân 115 mới tiền hành chẩn đoán nhanh và cứu sống một bệnh nhân nữ 60 tuổi bị thuyên tắc phổi nguy cơ cao, có huyết khối tĩnh mạch sâu do giảm protein C có tính chất gia đình bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Trước khi nhập viện 1 tuần, bà N.N.T. đã đến khám bệnh tại một phòng khám đa khoa, ghi nhận có triệu chứng đau ngực bên mạn sườn phải, khó thở và ho mới khởi phát được 4 ngày.
Bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm tổng quát, kết luận có tăng huyết áp, mỡ máu cao, các xét nghiệm khác không gì đặc biệt. Bà T. dùng thuốc theo toa đều đặn nhưng triệu chứng vẫn còn âm ỉ.
Sáng sớm ngày nhập viện, sau khi đi vệ sinh, bà T. cảm thấy mệt, xây xẩm, đứng không vững nên nhập viện một bệnh viện đa khoa tại địa phương, trong tình trạng huyết áp = 00 mmHg. Bệnh nhân được dùng thuốc vận mạch và chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Nhân Dân 115, nhập khoa Hồi sức tim mạch điều trị.
Các bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch ghi nhận bệnh nhân gọi hỏi biết, rất đừ, thở mệt, mạch rất nhẹ, huyết áp = 00 mmHg (đang dùng vận mạch Noradrenaline liều tương đối cao). Bệnh nhân không có tiền căn bệnh nội khoa, không sử dụng thuốc gì đặc biệt trước đó, không tiền sử dùng thuốc ngừa thai.
Bác sĩ lập luận khả năng là một trường hợp thuyên tắc phổi nguy cơ cao, hội chẩn với lãnh đạo khoa cho bệnh nhân chụp tối khẩn CT scan ngực. Kết quả CT scan ngực: thuyên tắc nhiều nhánh động mạch phổi.
Lập tức bệnh nhân được sử dụng Heparin không phân đoạn và dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch/ 2 giờ. Thời gian từ lúc nhập khoa, chụp CT scan và khởi động tiêu sợi huyết không quá 25 phút. Trong quá trình tiêu sợi huyết, tình trạng bệnh nhân ổn.
Bệnh nhân sau khi tiêu sợi huyết có huyết áp trở lại, không còn dùng vận mạch, ăn uống bình thường.
Sau đó, các bác sĩ tầm soát nguyên nhân thuyên tắc phổi của bệnh nhân, ghi nhận bệnh nhân có huyết khối tĩnh mạch sâu, giảm protein C trong máu nặng (19%), các xét nghiệm khác kể cả ung thư đều âm tính.
Bác sĩ khuyên toàn bộ người nhà (bao gồm 2 người con gái và 1 người con trai) đi kiểm tra protein C, kết quả người con gái lớn bị giảm protein C trung bình, 2 người còn lại protein C ở ngưỡng giới hạn dưới.
Tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện sau 5 ngày điều trị. Bệnh nhân được dặn dò về tuân thủ điều trị và lối sống. Tái khám sau 3 tuần, tình trạng sức khỏe bà T. tốt.
Bác sĩ điều trị Đỗ Thiên Ân - khoa Hồi sức tim mạch cho biết: Khi gặp một trường hợp bệnh nhân tụt huyết áp, cần loại trừ sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng, sốc tim, sốc giảm thể tích để đưa ra chẩn đoán nghi ngờ về thuyên tắc phổi. Ngoài ra, cần tìm nguyên nhân của bệnh và tầm soát bệnh cho gia đình.
Đối với trường hợp trên, bệnh nhân đã được chẩn đoán và khởi động tiêu sợi huyết nhanh (dưới 30 phút từ lúc nhập khoa) cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, đồng thời bác sĩ đã xác định được nguyên nhân bệnh là do giảm protein C có tính chất gia đình.
Thuyên tắc phổi là bệnh thường gặp và gây tử vong với tỉ lệ tử vong khoảng 30% nếu không điều trị. Tử suất có thể giảm đáng kể nhờ chẩn đoán và điều trị sớm.
L.MinhBạn đang xem bài viết Bệnh nhân bị tắc mạch phổi, cấp cứu sau khi đi vệ sinh đứng không vững tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].