Những sai lầm chết người trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Không tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc không đúng cách, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý… là những sai lầm chết người trong điều trị mà nhiều người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mắc phải.

  Nhiều bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không tuân thủ tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa

Nhiều bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính không tuân thủ tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa

PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ rõ, có rất nhiều sai lầm trong điều trị mà người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) mắc phải khiến cho tình trạng bệnh ngày một trầm trọng hơn. Trong đó phải kể đến một số sai lầm có thể gây nguy hiểm như:

Không tuân thủ điều trị: Rất nhiều bệnh nhân khi ho, khó thở, tức ngực nhập viện được chỉ định dùng thuốc, nhưng chỉ sau khoảng 1 tháng, bệnh tình đỡ hơn thì tự ý dùng thuốc cũng không đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Trong khi đó, COPD là bệnh mãn tính phải điều trị cả đời.

Các bác sĩ luôn giải thích với bệnh nhân, khi đã chẩn đoán mắc COPD là phải sống chung với bệnh, dùng thuốc dự phòng như một thói quen ăn cơm, uống nước hàng ngày để phòng bệnh.

Bởi bình thường bất cứ bệnh nào rồi cũng sẽ đi đến đích, nếu không điều trị đều, đích đến (là giai đoạn nặng) chỉ khoảng 5 năm, trong khi đó nếu điều trị, phải từ 10 - 20 năm, thậm chí lâu hơn mới đến đích, nhưng nhiều người bệnh vẫn chủ quan bỏ thuốc khi thấy tình trạng ổn định hơn.

Dùng thuốc không đúng cách: Một sai lầm nữa người bệnh hay mắc phải, đó là dùng thuốc không đúng kĩ thuật nên hiệu quả kém. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ - kỹ thuật đúng, thuốc phân bổ vào phổi tốt nhất sẽ mang lại hiệu quả điều trị tối đa.

Vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ: Bệnh nhân COPD cần tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thuốc lào chủ động hoặc thụ động; khói bếp củi, bếp than...

Tuy nhiên rất nhiều người vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ này. Đặc biệt trong mùa rét như hiện nay, nhiều gia đình sử dụng bếp than sưởi ấm mà không hề biết rằng, ngoài nguy cơ bị ngộ độc khí CO thì đây cũng là tác nhân gây nên các đợt cấp của COPD.

Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý: Với bệnh nhân COPD, chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng là yếu tố quan trọng trong điều trị. Bệnh nhân COPD khó thở khiến việc ăn uống khó khăn nên có thể ăn đồ loãng, đồ nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu, tránh uống nước đá, đồ ăn lạnh. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh.

Ngoài ra, với bệnh nhân COPD, việc luyện tập phục hồi chức năng rất quan trọng. Người bệnh COPD mức độ nhẹ hoặc trung bình nên duy trì luyện tập các bộ môn như đạp xe, đi bộ, thảm lăn mức độ vừa phải từ 30 - 60 phút tùy theo khả năng.

Với thể nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc có các phương pháp tập luyện khác như luyện sức bền với tạ nhỏ; hoặc tập thở cơ hoành bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức, tập ho khạc đờm chủ động.

L.Minh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính