Bệnh đau mắt đỏ bùng phát, Hà Nội tăng cường phòng chống bệnh

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc cấp đang bùng phát ở Hà Nội và có xu hướng lây lan nhanh. Vậy làm thế nào để phòng bệnh hiệu quả?

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan nhanh nếu không có biện pháp phòng bệnh kịp thời

Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan nhanh nếu không có biện pháp phòng bệnh kịp thời

Đau mắt đỏ lây lan nhanh ở trường học

Hiện tình trạng bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ lây lan nhanh và gây ra những biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của BV Mắt Hà Nội 2, trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân tới khám do đau mắt đỏ. Đáng lưu ý là mùa dịch năm nay gia tăng số ca đau mắt đỏ bị biến chứng vào giác mạc, nhiều ca biến chứng nặng phải chuyển đến BV Mắt Trung ương để điều trị.

Còn tại BV Nhi Trung ương, thời gian gần đây, mỗi ngày khoa Mắt của bênh viện tiếp nhận khoảng 40 – 50 trường hợp bị đau mắt đỏ. Trong số đó có khoảng 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Chị Nguyễn Hương Ly (35 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) cho biết: “Con trai tôi đang học lớp 5. Cháu đi học bị lây đau mắt đỏ từ bạn, về nhà bé lại lây cho tôi. Ngay sau khi phát hiện bị đau mắt đỏ, cả 2 mẹ con tôi đã dùng thuốc uống, thuốc nhỏ mắt để điều trị nhưng vẫn chưa khỏi. Vậy là mấy hôm nay mẹ phải nghỉ không đi chợ bán hàng được, con thì phải nghỉ học để tránh lây cho các bạn khác”.

Cũng phải nghỉ làm để trông con, chị Lê Thị Tâm (31 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ: “em bé nhà tôi 4 tuổi đang học mầm non. Bé cũng bị lây đau mắt đỏ từ bạn khi đi học. Tôi cho con nghỉ ở nhà gần 1 tuần nay để điều trị cho dứt điểm. Con nghỉ học thì mẹ cũng phải nghỉ làm để trông con, chăm sóc cho con sớm khỏi bệnh, tránh biến chứng".

Theo bác sĩ BV Nhi Trung ương, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.

Đau mắt đỏ thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus…

Bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, lúc cơ thể của bé khá nhạy cảm nên dễ chịu sự tác động và tấn công bởi vi khuẩn bên ngoài. Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).

Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhất định có thể giúp hạn chế bệnh phát tán.

Tăng cường công tác phòng, chống đau mắt đỏ

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ gia tăng nhanh, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 3196/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng, chống đau mắt đỏ. 

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn Thành phố cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho các đơn vị trên địa bàn khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để; các trường mầm non, mẫu giáo cần đảm bảo vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân, mỗi trẻ có khăn mặt riêng, rửa tay bằng nước sạch, tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

5 biện pháp phòng chống bệnh đau mắt đỏ

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng chống bệnh đau mắt đỏ, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
  • Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
  • Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
  • Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Những điều không nên làm khi bị đau mắt đỏ

- Không giữ vệ sinh mắt và vệ sinh cá nhân.

- Tự ý sử dụng thuốc nhỏ có chứa corticoid hay những thuốc chưa rõ thành phần vào mắt. Điều này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Mắt có biểu hiện gì thì cần đi khám bác sĩ?

- Khi thấy đau ở mắt hoặc có vấn đề khi nhìn.

- Khi thấy nhạy cảm với ánh sáng (thấy khó chịu khi nhìn vào nguồn ánh sáng mạnh).

- Khi triệu chứng kéo dài cả tuần hoặc hơn, hoặc triệu chứng không bớt mà ngày càng tệ.

- Khi mắt ra rất nhiều mủ hoặc ghèn.

- Khi bạn có triệu chứng khác của nhiễm trùng như sốt hoặc đau nhức.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính