Dưới đây là những giải đáp của chuyên gia truyền nhiễm GS.TS Phạm Nhật An (Nguyên Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương và hiện là Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện ĐK QT Vinmec) liên quan đến dịch bệnh COVID-19.
Bắt tay nhau, bấm thang máy có dẫn đến lây lan COVID-19?
GS.TS Phạm Nhật An: Hiện có 2 con đường lây lan COVID-19 đã được khẳng định. Thứ nhất là lây qua các giọt bắn. Tức là khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi... sẽ có những giọt nước, dịch nước bọt ở miệng, mũi, họng bắn ra ngoài và những giọt bắn này có thể chứa virus, trực tiếp bắn vào cơ thể người lân cận hoặc các vật dụng, quần áo xung quanh.
Cần lưu ý là các giọt bắn đó có thể bám vào các hạt bui ngoài không khí, lơ lửng trong không khí và đi xa hơn và trong những điều kiện đặc biệt, như với điều kiện sương mù, có gió, các hạt lơ lửng có chứa giọt bắn sẽ bay trong môi trường và lây bệnh cho những người chẳng may hít phải, tiếp xúc phải.
Con đường lây nhiễm thứ 2 là qua tiếp xúc. Người bị bệnh COVID-19 quệt tay vào mũi, miệng hoặc dùng bàn tay che mũi, miệng khi ho, hắt hơi, rồi sau đó lại dùng chính bàn tay đó bắt tay với người khác.
Và người bắt tay với người bệnh lại dùng bàn tay đó đụng chạm lên mũi, miệng, mắt thì sẽ có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh.
Hay như người bị nhiễm COVID-19 dùng chính bàn tay đã quệt mũi, miệng bấm thang máy, đụng chạm vào các đồ vật xung quanh (bàn ghế, quần áo, đồ chơi của trẻ…) thì những người sử dụng chung thang máy, chung đồ vật với người bệnh cũng rất dễ lây nhiễm khi tiếp xúc với những đồ vật đó.
Ngoài ra cũng cần nghiên cứu và tìm hiểu thêm COVID-19 có lây theo các con đường khác như ăn uống, lây qua đường máu, từ mẹ sang con, quan hệ tình dục… để xác định và có biện pháp phòng ngừa đúng đắn.
Thẻ diệt virus có giúp chống COVID-19?
Thẻ diệt virus được chào hàng tràn lan trên mạng với lời giới thiệu có thể ngăn chặn không cho virus lại gần người đeo thẻ trong bán kính 1m.
Đánh vào tâm lý hoang mang của cộng đồng trước dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và lây lan đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, những người bán hàng không ngừng quảng cáo công dụng "thần thánh" của chiếc thẻ này và giá bán của mỗi chiếc thẻ cũng khá đắt đỏ.
Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Nhật An, hiện chưa có thông tin chính thức nào từ những nhà khoa học, từ những chuyên gia chống dịch của các tổ chức quốc tế về công dụng diệt virus của chiếc thẻ này.
Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng loại sản phẩm như trên để phòng bệnh.
Thậm chí, giáo sư Phạm Nhật An còn nhận được những thông tin hỏi đáp về việc uống nước tiểu phòng ngừa COVID-19. Đó đều là những thông tin không chính xác và có thể gây nguy hiểm cho những người áp dụng nó.
Cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất để phòng chống dịch COVID-19 vẫn là rửa tay bằng xà phòng và nước sạch đúng cách… Người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến bệnh viện.
Đồng thời, người dân nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống nhiều nước, duy trì thói quen tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh.
Bị nhiễm COVID-19 có bị lại không?
GS.TS Phạm Nhật An: Trước hết cần hiểu rõ COVID-19 là gì? COVID-19 là bệnh dịch gây ra bởi loại vi rút Corona mới, được phát hiện cuối năm 2019, gây ra bệnh đường hô hấp cấp tính từ nhẹ đến nặng, xuất phát từ Vũ Hán Trung Quốc vào cuối năm 2019 được gọi là "nCoV-19" - (để chỉ ra đây là loại Coronavirus mới phát hiện năm 2019).
Hiện nay nCoV-19 còn được gọi là SARS-CoV-2 (vì bản chất loại vi rút này giống virus Corona gây bệnh SARS năm 2003).
Đến nay các nhà khoa học còn chưa biết rõ ràng về bệnh COVID-19. Nhưng nếu nhìn tổng thể thì trong số bệnh truyền nhiễm, có những loại bệnh sau khi khỏi, tác nhân gây bệnh có thể còn nằm tiềm ẩn ở đâu đó trong cơ thể (thường dưới dạng "thể vùi', "thể ngủ" - latent form) và đến một lúc nào đó có thể phát bệnh lại.
Ví dụ, rất kinh điển là VZV (Varicella Zoster Virus) gây bệnh thủy đậu, bệnh zona... sau bệnh đã khỏi virus vẫn nằm tiềm ẩn trong cơ thể và đến một lúc nào đó lại bùng phát bệnh lại.
Cũng có những loại bệnh dịch mới nổi như bệnh Ebola đã chắc chắn là có trường hợp người bị Ebola sau khi khỏi bệnh đã bị bệnh trở lại dù không tiếp xúc gì với nguồn lây nhiễm nữa.
Hiện tượng này ở bệnh COVID-19 các nhà khoa học còn đang theo dõi và nghiên cứu, đến nay vẫn chưa khẳng định, nhưng nếu COVID-19 cũng được chứng minh có khả năng gây bệnh trở lại như Ebola thì đó là một điều nguy hiểm.
Hiện COVID-19 đã có một số thông báo về thuốc điều trị đặc hiệu ở một vài quốc gia, nhưng các biện pháp điều trị chung nhất hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bắt tay nhau, bấm thang máy có bị lây lan COVID-19? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].