Theo SSI Research, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) có chính sách thay đổi trong hỗ trợ khách hàng và giải ngân khoản vay. Đặc biệt, VPBank đã có điều chỉnh về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế.
Cụ thể, VPBank sẽ giảm cho vay đối với 3 phân khúc chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Covid-19 bao gồm: doanh nghiệp siêu nhỏ (micro-SME), khách sạn và tài chính tiêu dùng. Kể từ giữa tháng 3, VPBank đã áp dụng các biện pháp thắt chặt tín dụng để giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là trong các phân khúc này.
Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ ngừng cho vay đối với khách hàng mới và tập trung vào những khách hàng hiện tại có rủi ro hoạt động thấp trong các ngành không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Những biện pháp này sẽ được áp dụng trong 3 tháng. Kết quả ban đầu của biện pháp này là tăng trưởng các khoản vay có tài sản thế chấp cao hơn so với các khoản vay tín chấp vào cuối quý I/2020.
Bên cạnh đó, VPBank tiến hành hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thông qua việc tái cơ cấu các khoản cho vay theo Thông tư 01. Tính đến ngày 29/4/2020, ngân hàng đã tái cơ cấu các khoản vay cho 11.895 khách hàng (1,8% tổng số khách hàng), với dư nợ cho vay tương ứng khoảng 5% tổng danh mục cho vay. Thời gian tái cấu trúc sẽ kéo dài trong 3 tháng và ngân hàng kỳ vọng 70 - 80% khách hàng bị ảnh hưởng sẽ phục hồi nếu đại dịch được kiểm soát vào cuối quý II/2020 (ít nhất là đối với Việt Nam).
Theo ban lãnh đạo VPBank, hiện nay ngân hàng đã qua mức đỉnh về số lượng hồ sơ đăng ký tái cấu trúc. Trong kịch bản xấu nhất, ngân hàng cho rằng, tổng các khoản vay tái cơ cấu sẽ không vượt quá 6 - 7% tổng dư nợ cho vay.
Về kế hoạch năm 2020, VPBank đã xem xét nhiều kịch bản khác nhau theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 và hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo đó, đối với kịch bản đại dịch được kiểm soát vào quý II/2020, ngân hàng mẹ và FE Credit đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tương ứng là 6,71 nghìn tỷ đồng và 3,5 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 10.214 tỷ đồng. Đối với kịch bản tốt nhất và xấu nhất, lợi nhuận trước thuế nằm trong phạm vi dao động tăng, giảm ở mức 10-15% lợi nhuận theo kịch bản cơ sở.
Tính đến thời điểm hiện tại, VPBank là nhà băng hiếm hoi ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận thần tốc trong 3 tháng đầu năm, trái ngược với mức sụt giảm gây nhiều lo ngại xuất hiện tại hàng loạt ngân hàng trong báo cáo tài chính quý I/2020.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của VPBank gây nhiều chú ý với thị trường khi con số lợi nhuận trước thuế tăng tới trên 1.100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019, lên hơn 2.900 tỷ đồng.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Bất chấp COVID-19, VPBank vẫn đặt kỳ vọng lợi nhuận không đổi tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].