Trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam: Con trai bị bố đẻ, mẹ kế hành hạ
Bé Duy (10 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) là nạn nhân của một vụ trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam mới đây nhất. Cha mẹ ly hôn vào đầu năm 2014, Duy về ở với bố ruột và mẹ kế tại nhà ông bà nội. Hai năm sau, gia đình ba người chuyển đi thuê trọ tại phường Nghĩa Đô. Duy lúc này học lớp 2. Em cho hay đã bị bố bắt nghỉ học, bị đánh liên tục, làm công việc của người lớn, phải nhịn đói thường xuyên...
Năm lần tích cóp 5.000 đồng để chạy trốn của Duy đều thất bại. Ngày 5/12, sau trận đòn của mẹ kế do bị nghi "ăn vụng thịt bò hầm", cậu quyết tâm bỏ trốn.
Gần 17h hôm đó, khi mẹ kế và bố ra ngoài, Duy cầm tiền chạy ra gặp ông xe ôm ở đầu ngõ xin chở về nhà ông bà nội ở phố Hoàng Hoa Thám. Do không đủ tiền nên cậu được tài xế cho thêm 2.000 đồng rồi chở ra điểm xe buýt bắt xe về đây.
Sau gần hai năm mất liên lạc, Duy tìm được về gia đình ông bà và mẹ đẻ với khắp người chi chít vết thương bởi chiếc móc nhôm làm roi của ông bố ruột và bà mẹ kế. Bác sĩ xác định, bé bị đánh rạn xương sườn, nứt sọ não.
Một ngày sau đó, người bố và mẹ kế bị bắt và khai nhận hành vi của mình. Cặp vợ chồng này sau đó bị Công an quận Cầu Giấy khởi tố về hành vi Ngược đãi con, theo điều 151 Bộ Luật hình sự.
Những vụ bạo hành trẻ em ở Việt Nam xảy ra liên tiếp khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ Bé gái hơn một tháng tuổi bị người giúp việc hành hạ dã man là vụ bạo hành trẻ em gây rúng động xã hội
Đầu tháng 11/2017, một gia đình ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) trình báo cảnh sát khi phát hiện bà giúp việc bạo hành bé gái hơn một tháng tuổi của họ. Trước đó, nữ gia chủ nghi ngờ con bị bạo hành khi thấy những biểu hiện khác thường nên đã lắp camera theo dõi.
Theo hình ảnh camera ghi lại, bà giúp việc đã đánh, tung hứng bé gái khi bố mẹ cháu vắng nhà.
Khi bị bắt, khởi tố, bà giúp việc khai bé khóc nhiều khiến mình không làm được việc nhà nên "lấy tay vả vào đầu". Bà ta đánh đứa trẻ liêp tiếp trong các ngày 20-22/11 khi gia chủ không có nhà.
Hai bảo mẫu hành hạ, nhiều lần đánh, tát, đạp trẻ
Một vụ việc khác bị phanh phui vào đầu tháng 11 khi Phạm Mỹ Linh (43 tuổi) chủ cơ sở Mầm Xanh ở TP HCM liên tiếp có hành vi đánh đập trẻ. Tại cơ sở này, Linh nhận trông khoảng 30 trẻ từ 2 đến 5 tuổi là con của các công nhân trong khu vực, chi phí 1,2 triệu đồng mỗi tháng.
Mỗi sáng nhận các cháu, bà Linh và các bảo mẫu đều tươi cười niềm nở. Song ngay sau khi cha mẹ các bé đi khỏi thì họ đã đánh những đứa trẻ khi cho ăn hoặc lúc bắt đi ngủ...
Khi bị bắt và khởi tố, Linh thừa nhận nhiều lần đánh, tát, đạp... các bé 2-5 tuổi. Bà ta cho hay, các bé đông, hiếu động, không nghe lời nên đánh dọa để chúng sợ mà ngoan.
Giúp việc bạo hành bé trai 4 tháng tuổi
Cuối tháng 10/2017, bà giúp việc tên Đặng Thị Lý (56 tuổi) bị gia chủ ở Nghệ An tố cáo vì bạo hành con trai hơn 4 tháng tuổi của họ. Nam chủ nhà cho hay, khi thấy bé trai bị nôn ói, ngủ gật nên đưa con đi khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị phồng thóp, khả năng phồng não.
Sau khi kiểm tra lại camera thì anh phát hiện con bị giúp việc bạo hành. Đỉnh điểm vào ngày 11/10, bà giúp việc vỗ vào người rồi đánh mạnh vào đầu, lấy gối chẹn lên mặt. Tuy nhiên, bà Lý sau đó không bị xử lý vì cảnh sát cho rằng không có đủ cơ sở.
Trẻ em 16 tháng tuổi bị cô giáo bạo hành, đánh tím mặt
Vụ việc trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam trên xảy ra tại tường mầm non tư thục Ánh Sao (quận Hà Đông, Hà Nội) khi bé P. 16 tháng tuổi bị các cô giáo đánh.
Chị Dung (mẹ bé P.) cho biết, chiều 26/5/2017, khi đón con về nhà thì phát hiện bé gái có biểu hiện hoảng sợ, nhiều vết thâm tím trên người. Sau đó, gia đình có nhận điện thoại cô giáo L. nói rằng bé P. bị ngã. Cô L. đã xin lỗi chị vì sơ xuất đã để cho bé ngã....
Tuy nhiên, gia đình có đặt nghi vấn và vết tím hằn trên mặt bé không phải do ngã. Khi đưa hình ảnh bé lên mạng xã hội thì hai cô giáo có đến nhà xin và có nhận “vì bé lười ăn nên có tát”.
Đến sáng 27/5, cô Lê Thị Thanh Nga, hiệu trưởng nhà trường xác nhận sự việc xảy ra ở trường. Cô Trang Thu (một trong hai cô giáo trông coi lớp học nơi xảy ra sự việc) trình bày, 3h chiều qua, ăn xong thì bé P. đẩy ghế nhựa - chân ghế bị gãy nên bé bị ngã đập mặt vào ghế nhựa. Lúc đó cô hiệu trưởng cũng có mặt và chườm đá cho bé.
Sáng 27/5, trong bản kiểm điểm của hai cô giáo vẫn xác nhận: Do sơ xuất đã để bé P. bị ngã ở lớp.
Trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam: Hiệu trưởng dốc đầu trẻ vào... máy vặt lông gà
Ngày 22/3/2017, anh Nguyễn Văn Nam đưa con trai 5 tuổi đi học. Thấy con khóc nhiều, anh Nam lấy roi định đánh, nhưng được cô chủ nhiệm Hà Kim Vân ngăn lại. Hai bố con ra sân, đến 8h giao lại cho cô Vân, cháu vẫn khóc.
Cháu bé đã cắn cô Vân chảy máu tay, cào nhiều vết. Khi cô Vân thả ra, cháu chạy về phía nhà bếp, được cô Vũ Thị Thu Hiền và Lê Thị Phượng giữ lại, khênh lên dọa thả vào máy vặt lông gà.
"Thời điểm đó máy được cất vào bên trong, không cắm điện. Cô Phượng nâng đầu, cô Hiền giữ hai chân cháu đặt ngang trên miệng máy, hỏi Từ nay đi học con có khóc nữa không?, khi cháu trả lời không, hai cô thả cháu xuống".
Cháu bé sau đó vẫn khóc, cô hiệu trưởng Vũ Thị Hằng dỗ dành nhưng không được. Cô Hằng quát và mang cháu tới máy vặt lông gà, dọa cắm điện.
Toàn bộ sự việc được anh Nguyễn Văn Nam ghi lại khi bí mật tiếp cận nhà bếp của trường, sau đó chạy đến nói "chị đừng làm thế với con em" và bế con trai về nhà. Đại diện nhà trường và các cô liên quan đã đến nhà anh Nam để xin lỗi và đề nghị gia đình cho cháu bé đi học.
Bạo hành trẻ em, quát mắng, tát trẻ tại trường mầm non
Trong đoạn clip ghi lại hình ảnh cô giáo mặc áo logo trường mầm non Sen Vàng cầm dép đánh vào đầu một bé trai. Sau đó, cô giáo nhiều lần quát mắng, tát học sinh này.
Một vị đại diện nhà trường cho hay: “Sự việc xảy ra là điều không ai mong muốn, đây chỉ là hành động bồng bột, thiếu kiểm soát của cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín nhà trường”.
Xem thêm: Trẻ em cân nặng, chiều cao bao nhiêu thì đúng chuẩn tại đây
Mai ChiBạn đang xem bài viết Trẻ em bị bạo hành ở Việt Nam: Những vụ nổi cộm, gây 'rúng động' xã hội tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].