Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Trẻ em bị bạo hành trên thế giới: Khuyến cáo của Liên Hợp Quốc

Bạo hành trẻ em là hiện tượng xảy ra phổ biến hiện nay. Nó không dừng lại ở trong gia đình mà còn lan rộng trên quy mô trường học, cả cộng đồng. Tháng 11 năm 2017, đại diện UNICEF đã đưa ra những con số đáng kinh ngạc về thực trạng trẻ em bị bạo hành trên thế giới.

1. Bạo hành trẻ em là gì?

Bạo hành trẻ em bao gồm tất cả những hành vi đối xử tệ bạc về thể chất hay tinh thần, xâm hại tình dục, lợi dụng hay bỏ bê dẫn đến nguy hại hay khả năng nguy hại đối với sức khỏe, nhân phẩm, hay sự phát triển của đứa trẻ. Bạo hành có thể được thực hiện bởi cha mẹ, người trông nom hay một đứa trẻ lớn hơn... (Theo định nghĩa của WHO - Tổ chức Sức khỏe Thế giới).

Theo báo cáo mới công bố của UNICEF, trẻ em hiện nay ngay cả trẻ mới 12 tháng tuổi đang bị bạo lực bởi chính những người chăm sóc các em.

Bạo hành trẻ em là vấn đề nổi cộm của toàn xã hội

Bạo hành trẻ em là vấn đề nổi cộm của toàn xã hội

Ông Cornelius Williams, Trưởng Ban Bảo vệ Trẻ em của UNICEF cho biết “Tổn hại đối với trẻ em trên toàn thế giới thực sự rất đáng lo ngại. Trẻ nhỏ bị tát vào mặt; trẻ em gái và trẻ em trai bị ép tham gia các hành vi tình dục; trẻ vị thành niên bị giết hại tại chính cộng đồng của các em – bạo lực đối với trẻ em không chừa một ai và không có ranh giới.”

2. Thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay trên thế giới 

- Bạo lực đối với trẻ nhỏ trong gia đình các em

Ba phần tư số trẻ em 2-4 tuổi trên toàn thế giới – khoảng 300 triệu trẻ - chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý và/hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà;

Tại 30 quốc gia có dữ liệu, khoảng 6 trong 10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần một phần tư trẻ 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt và gần 1 trong 10 em bị đánh hoặc bị tát vào mặt, đầu hoặc tai.

Trên toàn thế giới, một phần tư trẻ dưới 5 tuổi – khoảng 176 triệu trẻ - đang sống với mẹ là nạn nhân bị bạo lực từ bạn tình.

- Bạo lực tình dục đối với trẻ em gái và trẻ em trai

Trên toàn thế giới, khoảng 15 triệu trẻ em gái vị thành niên độ tuổi 15-19 từng bị ép quan hệ tình dục hoặc bị ép tham gia hành vi tình dục.

Chỉ 1% trẻ em gái vị thành niên từng bị bạo lực tình dục nói rằng các em đã tìm đến các dịch vụ chuyên nghiệp để được giúp đỡ.

Tại 28 quốc gia có dữ liệu, trung bình 90% trẻ em gái vị thành niên từng bị ép quan hệ tình dục nói rằng thủ phạm của vụ xâm hại đầu tiên là người quen của các em. Dữ liệu từ 6 quốc gia cho thấy thủ phạm của bạo lực tình dục với trẻ em trai vị thành niên thường là bạn bè, bạn cùng lớp và bạn tình.

- Tử vong do bạo lực ở trẻ vị thành niên

Trên toàn cầu, cứ 7 phút lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực. Tại Hoa Kỳ, trẻ em da đen không thuộc gốc Hispanic độ tuổi 10-19 có nguy cơ bị giết cao gần gấp 19 lần so với trẻ em da trắng không thuộc gốc Hispanic cùng độ tuổi. Nếu tỷ lệ giết trẻ vị thành niên da đen không thuộc gốc Hispanic này áp dụng trên toàn quốc thì Hoa Kỳ sẽ là một trong 10 quốc gia nguy hiểm chết người nhất trên thế giới.

Mỹ Latinh và Caribbean là khu vực duy nhất có tỷ lệ trẻ vị thành niên bị giết gia tăng; gần một nửa số trường hợp trẻ vị thành niên bị giết trên toàn cầu xảy ra tại khu vực này trong năm 2015.

Ba phần tư số trẻ em 2-4 tuổi trên toàn thế giới – khoảng 300 triệu trẻ - chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý và/hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà

Ba phần tư số trẻ em 2-4 tuổi trên toàn thế giới – khoảng 300 triệu trẻ - chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý và/hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà

- Bạo lực học đường

Một nửa số trẻ em độ tuổi đến trường – 732 triệu trẻ - sống tại các quốc gia nơi việc trừng phạt thân thể ở trường học chưa bị cấm tuyệt đối.

Để chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ khẩn trương hành động và hỗ trợ thực hiện Bảy chiến lược nhằm chấm dứt bạo lực với trẻ em (INSPIRE).

Thông qua các kế hoạch hành động điều phối cấp quốc gia để chấm dứt bạo lực đối với trẻ em – kết hợp chặt chẽ giữa các hệ thống giáo dục, phúc lợi xã hội, tư pháp và y tế, cũng như các cộng đồng và chính trẻ em.

Thay đổi hành vi của người lớn và giải quyết các yếu tố góp phần gây ra bạo lực đối với trẻ em. Tập trung các chính sách quốc gia để giảm thiểu các hành vi bạo lực, giảm bất bình đẳng, và hạn chế tiếp cận các loại súng và vũ khí khác. 

Giáo dục trẻ em, phụ huynh, giáo viên và thành viên cộng đồng để có thể phát hiện bạo lực dưới mọi hình thức và nâng quyền để họ lên tiếng và tố cáo bạo lực một cách an toàn.

3. Thực trạng bạo hành trẻ em tại Việt Nam

Một khảo sát mới đây cho thấy, kỷ luật bạo lực đang diễn ra phổ biến với gần 68,4% trẻ em độ tuổi 1-14 được báo cáo là đã từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo lực ở nhà. Khoảng 20% trẻ em gái và trẻ em trai 8 tuổi nói rằng các em bị trừng phạt thân thể ở trường.

Khoảng 9,6% trẻ em (tương đương 1,7 triệu trẻ) độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em, trong đó gần 7,2% có nguy cơ làm việc trong điều kiện lao động có hại. Tỷ lệ trẻ em gái và nữ thanh niên 15-19 tuổi đã kết hôn tăng từ 5,4% vào năm 2006 lên khoảng 11% vào năm 2014. Trong giai đoạn 2011-2015, 5.300 vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, chủ yếu là với trẻ em gái, đã được báo cáo.

Ủy ban về Quyền Trẻ em Liên Hợp quốc đã nhấn mạnh tình hình nghiêm trọng mà trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt trong Kết luận Quan sát đưa ra năm 2012: “bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái đang lan tràn; thiếu các biện pháp, cơ chế và nguồn lực phù hợp để phòng chống bạo lực gia đình, bao gồm xâm hại thân thể và tình dục và bỏ mặc trẻ em; thiếu các quy trình báo cáo thân thiện với trẻ em; hạn chế tiếp cận các dịch vụ cho trẻ bị xâm hại; và thiếu dữ liệu về các tình hình đã nêu”.

Xem thêm quyền trẻ em và các thông tin về trẻ em mới nhất tại đây.

Lan Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính