Bác sĩ Đỗ Anh - Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho biết, bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng bằng thực phẩm và các loại vitamin, người mắc COVID-19 cần có một chế độ sinh hoạt và tập luyện phù hợp để cơ thể hồi phục toàn diện.
Các bài tập thở đơn giản sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu đến phổi và các đường dẫn truyền trong lồng ngực, giúp tăng cường chức năng phổi, giảm tình trạng hụt hơi, khó thở sau khi mắc COVID-19.
“Sau khi khỏi COVID-19 người bệnh nên thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat,.. với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn” – bác sĩ Đỗ Anh hướng dẫn.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, nếu người mới khỏi COVID-19 chủ quan, vẫn giữ nguyên cường độ tập như trước khi mắc bệnh sẽ khiến cơ thể không có thời gian phục hồi tổn thương (tổn thương cơ/rối loạn chuyển hóa/dinh dưỡng).
Ngoài ra, việc vội vàng luyện tập trở lại và luyện tập không đúng phương pháp sẽ dẫn tới kéo dài thời gian hồi phục, thậm chí là tái phát bệnh và có thêm tổn thương như: hụt hơi, đau ngực, giảm khả năng vận động, co cứng cơ, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và các vấn đề về tim mạch cũng như hô hấp khác.
Thời điểm tập luyện tối ưu và an toàn được khuyến cáo là sau 7 - 10 ngày hết triệu chứng COVID-19. Người bệnh không nên tập luyện lại khi vẫn còn triệu chứng COVID mà nên đợi sau khi hết triệu chứng ít nhất 7 - 10 ngày. Khi tập trở lại nên tập chậm và tăng dần cường độ.
Đặc biệt, với những người có vấn đề về tim mạch, hô hấp, sốt, ho, khó thở hay đau ngực kéo dài thì cần lắng nghe cơ thể của mình trong quá trình tập luyện để không bị quá sức. Lộ trình được khuyến cáo là khoảng 4 tuần tập luyện để trở về trạng thái tập bình thường.
An AnBạn đang xem bài viết Bác sĩ BV Bạch Mai hướng dẫn cách tập luyện phục hồi chức năng phổi hậu COVID-19 tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].