TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương chỉ dẫn những tiêu chí dưới đây để chọn được chiếc kính không ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt.
Chọn mắt kính loại nào thì tốt?
Đối với mắt kính, chất liệu làm ra nó rất quan trọng. Hiện nay, mắt kính trên thị trường khá phong phú về chất liệu. Mỗi loại có những ưu điểm riêng. Khi mua kính, cần hỏi xem mắt kính được làm từ chất liệu gì.
Kính mắt làm bằng plastic: Trước hết phải kể đến polycarbonate. Đây là một loại plastic có ưu điểm nổi trội so với chất liệu thủy tinh là nhẹ và chống lại tác động ngoại lực cao. Chính nhờ sự khác biệt này mà mắt kính polycarbonate thường được kê đơn cho trẻ em, người chơi thể thao, kính bảo hộ các loại.
Kính mắt làm bằng trivex: Một dạng plastic khác là trivex cũng đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chuẩn về an toàn. Tuy nhiên, chất liệu mắt kính trivex khỏe hơn, nhẹ hơn và trong suốt hơn polycarbonate. Người dùng còn khám phá ra là trivex ít gây méo mó hình ảnh hơn. Lời khuyên của chuyên gia là nếu bạn đeo số kính cao lại muốn kính phải mỏng thì cả polycarbonate và trivex đều là lựa chọn tốt.
Kính thủy tinh: Hiện nay, mắt kính thủy tinh đã bền và khó vỡ hơn trước kia và là dạng vật liệu chống trầy xước tốt hơn tất cả các vật liệu khác. Tuy nhiên, có nhược điểm rõ ràng là mắt kính thủy tinh nặng hơn mắt kính polycarbonate và trivex kể trên.
Kính phân cực: Là loại mắt kính làm giảm thiểu cảm giác lóa và chống được tia UV xâm hại mắt. Dạng kính này đặc biệt thích hợp với người lái xe, lái tàu, người đi biển... là những người hoạt động ngoài trời nhiều. Người phải dùng máy tính nhiều cũng có thể đeo kính phân cực. Tất cả các chất liệu mắt kính đều có thể chế tác dưới dạng kính phân cực được.
Bí quyết lựa chọn gọng kính tốt
Khi chọn gọng kính phải chú trọng đến trọng lượng của gọng, độ chắc khỏe, tính dẻo dai và chống trầy xước của gọng.
Gọng kính ngày nay được làm phổ biến từ kim loại và plastic. Tuy nhiên cũng có những vật liệu tổng hợp. Tùy theo sở thích cá nhân và tình huống sử dụng kính chúng ta sẽ có những vật liệu làm gọng kính khác nhau.
Gọng kim loại: Nhìn chung gọng kính được làm từ kim loại, titanium và hợp kim nhôm là phổ biến nhất. Chúng thích hợp để chế tác và đeo lên mặt.
Gọng titanium rất khỏe, nhẹ, chống trầy xước tốt. Gọng loại này đặc biệt thích hợp với trẻ lớn vì nó đặc biệt chắc chắn. Gọng bằng titan cũng có thể nhuộm thành nhiều màu khác nhau nên đảm bảo về mặt thẩm mỹ. Quan trọng hơn, chất liệu này không gây ra dị ứng với da, trái hẳn với một vài vật liệu cũ như nikel chẳng hạn, có khả năng gây dị ứng với da. Vì thế, những người có cơ địa dị ứng nên chọn loại này.
Gọng hợp kim trong đó nikel là thành phần cơ bản, khoảng 67%. Trong khi các kim loại khác trong thành phần hợp kim không gây ra dị ứng thì nikel thường gây phản ứng quá mẫn đối với da. Nhưng người dùng cũng không nên quá lo ngại, bởi nhà sản xuất đã tính tới điều này nên người ta thường gia cố thêm một lớp mạ bọc lên gọng hợp kim. Gọng kính hợp kim ưu điểm là tính chịu lực và chống trầy xước cao.
Gọng làm bằng beryllium: Là một kim loại nhẹ, rẻ tiền hơn titanium nhưng lại cực nhẹ và khỏe. Chúng khá mềm dẻo, dễ dàng cho các thợ kính chế tác. Gọng bằng beryllium cũng chống trầy xước cực tốt. Nhờ những lợi điểm trên gọng được khuyên dùng cho các đối tượng phải làm việc trên biển, ngâm mình trong muối mặn. Chất liệu này cũng dễ nhuộm thành rất nhiều màu khác nhau.
Gọng thép: Cũng khá khỏe và nhẹ nhưng không nhẹ bằng titanium. Do vậy loại này rẻ tiền hơn các gọng kim loại khác tuy cũng có tính năng chống trầy xước.
Gọng bằng flexon: Như tên gọi bằng tiếng Anh gọng nhẹ và chắc chắn, được chế từ hợp kim của titanium. Gọng có thể tự lấy lại hình dạng ban đầu sau khi bị bẻ cong hay xoắn vặn. Gọng flexon nhẹ, chống trầy xước, ít gây dị ứng đặc biệt thích hợp với trẻ em và cho các hoạt động ngoài trời.
Gọng nhôm: Tuy ít nhưng vẫn còn dùng để chế tác gọng kính cao cấp. Gọng loại này bền dẻo, chống xước tốt.
Gọng plastic: Được đặc biệt ưa thích bởi chúng rẻ tiền, trọng lượng nhẹ, có thể chế tác thành rất nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Gọng plastic thích hợp với trẻ nhỏ và trẻ em, những đối tượng ghét mang kính. Một nhược điểm không thể phủ nhận là gọng loại này dễ gãy hơn gọng kim loại. Cùng với thời gian màu sắc kính có thể bị nhạt đi, độ chắc khỏe cũng bị giảm đi đôi chút.
Bác sĩ Hoàng Cương/Bệnh viện Mắt Trung ươngBạn đang xem bài viết Bác sĩ bày cách chọn kính vừa đẹp vừa tốt cho mắt tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].