Ăn cháo lươn, bé 11 tháng tuổi bất ngờ nôn ra máu vì mắc sợi kim loại trong họng

Khi đang ăn cháo lươn, cháu bé bỗng nhiên bỏ ăn, quấy khóc, nôn ra cháo và một ít máu tươi. Nghi ngờ con hóc xương nên bố mẹ đã đưa bé đến bệnh viện khám và bác sĩ phát hiện sợi kim loại mắc ở họng trẻ.

Các bác sĩ khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An mới gắp thành công dị vật từ họng cho một em bé 11 tháng tuổi sau khi được mẹ cho ăn cháo lươn.

Được biết, cháu bé 11 tháng tuổi này được mẹ cho ăn cháo lươn vào buổi sáng. Khi đang ăn, cháu bé bỗng nhiên bỏ, quấy khóc, nôn ra cháo và một ít máu tươi.

  Sợi kim loại được bác sĩ gắp ra từ họng cháu bé 11 tháng tuổi

Sợi kim loại được bác sĩ gắp ra từ họng cháu bé 11 tháng tuổi

Nghi ngờ con hóc xương nên bố mẹ đã đưa bé đến bệnh viện, nhưng khi bác sĩ khám họng và gắp ra dị vật cho bé lại không phải là xương như bố mẹ nghĩ mà là một sợi kim loại mảnh nhưng rất cứng và nhọn 2 đầu, dài khoảng 2cm, đang cắm sâu vào vùng hạ họng.

Sợi kim loại này chính là một phần của rây lọc cháo mà các gia đình vẫn thường dùng với mục đích loại bỏ xương cá, gà, lợn... có trong cháo cho trẻ nhỏ.

Bác sĩ Bùi Viết Tuấn - Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, người trực tiếp khám cho bé chia sẻ: “Rất may là dị vật chưa xuống sâu hơn và được gắp ra kịp thời nên hiện tại sức khỏe cháu bé đã ổn định và ra viện.

Thực tế thăm khám bệnh tôi gặp tương đối nhiều các bệnh nhi hóc dị vật như vậy. Nguyên nhân chủ yếu do người lớn không kiểm soát kỹ vấn đề ăn uống của các bé.

Rây lọc là vật dụng quen thuộc các bậc phụ huynh thường sử dụng trong các gia đình có trẻ nhỏ với mục đích loại bỏ xương cá, gà và lợn có trong cháo. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó vô tình trở thành nguy cơ gây nguy hại tới sức khỏe của trẻ.

Vì vậy cha mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ phải hết sức cẩn thận, chú ý đến việc ăn uống, vui chơi của trẻ để phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra.

Đặc biệt, khi trẻ chẳng may hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không sử dụng mẹo để chữa cho con. Rất nhiều trường hợp dùng búp chuối, cơm, tỏi… để chữa hóc dị vật cho trẻ dẫn đến tình trạng nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị sau đó”.

Bác sĩ Tuấn cũng nhấn mạnh, khi cha mẹ nghi ngờ con bị hóc dị vật thì nên đưa con đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.

L.Minh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính