Chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Bộ Y tế cho biết, ngày 12/9 ca COVID-19 mới tăng gần 600 người so với trước đó, tổng là 2.013 ca; trong ngày có hơn 15.100 bệnh nhân khỏi, gấp gần 8 lần số mắc mới; 1 trường hợp tại Hải Phòng tử vong.
Số bệnh nhân nặng có chiều hướng gia tăng. Ngày 11/9 là 113 trường hợp thì đến ngày 12/9 đã lên 174 trường hợp, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 142; Thở ô xy dòng cao HFNC: 8; Thở không xâm lấn: 4; Thở xâm lấn: 20. Số bệnh nhân nặng điều trị thở oxy, thở máy đang gia tăng.
Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Trong 07 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
2 biến thể phụ mới BA.4 và BA.5 đang khiến các chuyên gia y tế quan tâm bởi những đột biến gene của virus có thể lẩn tránh hàng rào miễn dịch chống lây nhiễm nhờ vắc-xin hoặc do từng mắc COVID-19 trước đó.
Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng biến thể phụ BA.5 thuộc biến thể Omicron, đo đó, chúng có một số đặc điểm tương tự các biến thể phụ khác của Omicron là có khả năng lây lan cao.
Tuy nhiên, khả năng để BA.5 làm tăng số người mắc phải nhập viện và tử vong là ít hơn nhiều so với biến chủng Delta. Nhưng một điểm khiến nhiều người quan tâm là biến thể phụ BA.5 có thể gây bệnh ở người từng nhiễm các biến thể Omicron trước đó.
Chiều 12/9, Bộ Y tế tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”. Chiến dịch diễn ra từ ngày 12/9 - 31/10/2022.
Trước tình hình hiện tại, Bộ Y tế đã đưa khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp: 2K+ vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Thông điệp này thay thế thông điệp 5K trước đây nhằm thực hiện giải pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
TS Shane Fairlie, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định: "Dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Do đó, tại Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết".
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi các Bộ, Ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân hãy cùng nhau hành động, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân, tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch: Khẩu trang, khử khuẩn, vắc-xin, thuốc, điều trị, công nghệ và các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, đến hết ngày 11/9, Việt Nam đã tiêm 258.694.921 triệu mũi vắc-xin COVID-19 các loại cho người từ 5 tuổi trở lên. Hiện tỷ lệ bao phủ 2 mũi cơ bản cho người trên 18 ở nước ta đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3 là là 77,3% và mũi 4 là 78,8%.
Đối với trẻ em từ 12 - dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm 2 liều cơ bản cũng khoảng 100%, trong khi mũi 3 hiện mới đạt 55,2%.
Đối với trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tính đến nay đã gần 5 tháng triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, tổng số mũi tiêm đạt 16.138.820, trong đó mũi 1: 9.652.586 trẻ (đạt tỷ lệ 86,4%); mũi 2 là 6.486.234 trẻ (đạt tỷ lệ 58,1%).