Theo bác sĩ Đặng Trung Anh - bác sĩ điều trị tại BV COVID-19 (BV ĐH Y Hà Nội), thời gian gần đây số bệnh nhân F0 điều trị tại bệnh viện có tăng. Trong số gần 40 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, có khoảng 10 bệnh nhân nặng, nguy kịch phải can thiệp thở máy và thở oxy dòng cao.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị 135 F0, trong đó có 32 ca phải thở máy, 2 trường hợp thở HFNC, 29 bệnh nhân thở oxy mask/gọng kính.
ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại Khoa có 49 ca F0, đa số là các bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên và có bệnh lý nền. Trong số các ca nặng, nguy kịch, có khoảng 20% bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin.
Bộ Y tế cho biết, ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tại một số cơ sở điều trị, bệnh nhân Covid-19 nặng đang có dấu hiệu tăng lên. Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phối hợp các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ nhóm bệnh nhân nặng, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen, theo dõi biến thể mới.
Lý giải về tình trạng số ca mắc COVID-19 nặng gia tăng, các chuyên gia chia sẻ, khi tình trạng miễn dịch COVID-19 do tiêm vắc-xin thời gian kéo dài thì khả năng miễn dịch COVID-19 sẽ giảm sút, các bệnh nhân dễ nhiễm virus.
Đặc biệt, hiện nay một số biến thể phụ của chủng Omicron dễ dàng lây nhiễm hơn. Nhất là đối với những người có tiền sử bệnh lý nền, khi mắc COVID-19, tình trạng bệnh sẽ nặng lên.
Theo Bộ Y tế, về công tác tiêm vắc-xin COVID-19, bên cạnh các địa phương tiêm nhanh, vẫn có một số địa phương không đạt tiến độ tiêm, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.
Cụ thể, về tiêm mũi 3, đến nay cả nước đạt tỉ lệ 75,2%, tuy nhiên có nhiều địa phương tiêm rất thấp, chưa đạt 50%.
Về tiêm mũi 4, đến hết ngày 20/8 đạt 68,3%, nhưng có nhiều địa phương mới tiêm đạt 2/3 tỉ lệ chung của cả nước.
Về tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, sau hơn 4 tháng triển khai tiêm, đến nay tỉ lệ mũi 1 trung bình cả nước là 80,3%; mũi 2 là 50,8%.
Bộ Y tế nhấn mạnh tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19, do đó các địa phương cần bảo đảm tiến độ tiêm.
Đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19; Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
An AnBạn đang xem bài viết Số ca mắc COVID-19 nặng gia tăng, nguyên nhân do đâu? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].