'Vét túi' 45 triệu đồng đi đặt cọc, tôi đã mua nhà Hà Nội như... mua rau!

“Chẳng ai như vợ chồng nhà này, mua nhà như đi... mua rau” là câu nói mà bố tôi thốt lên khi hai đứa thông báo đã mua nhà.

Ông ngạc nhiên cũng phải, vì quá trình bàn bạc, chọn lựa, xem nhà, mua nhà đặt tiền cọc... để có một mái ấm của vợ chồng tôi chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 1 ngày!

Vỡ mộng sau khi kết hôn: 3 tháng, 2 lần chuyển phòng trọ

Trước khi kết hôn, vợ chồng tôi từng có 7 năm yêu nhau sâu đậm, mọi thứ thật đẹp đẽ khi mỗi ngày chúng tôi dành ra cả tiếng để Facetime nói chuyện, đi du lịch cùng nhau, thỉnh thoảng mua tặng nhau vài món quà nhỏ vì những lý do rất “tình” như: “Hôm nay đẹp trời”, “hôm nay em xinh”...

Nhưng tất cả gần như vỡ mộng sau khi kết hôn!

Nếu như trước kia, chúng tôi chỉ cần đi làm - đi ăn - đi chơi - đi ngủ, tiền lương xoay vòng cho các nhu cầu cá nhân, thì sau khi “hai ta về một nhà”, lương hai đứa cứ hết từ giữa tháng vì đủ các khoản: tiền thuê nhà, tiền điện nước, phí gửi xe, tiền trả nợ sau đám cưới, tiền gửi biếu nội, ngoại, tiền sắm thêm đồ dùng…

Mọi chi phí càng tăng thêm khi tôi mang thai đứa con đầu lòng.

Lúc này, chồng tôi - vốn là một thủy thủ, quyết định trở lại nghề đi biển để ổn định thu nhập, cũng là cách để gia đình nhỏ có thể bám trụ ở Thủ đô. Khi chồng lên tàu (dự kiến chuyến đi dài 10 tháng), tôi mang thai tháng thứ 5!

Mọi khó khăn bắt đầu từ đây. Vì không muốn để tôi ở một mình trong căn nhà trọ vỏn vẹn 16m2, ngày ngày phải leo thang lên gác để ngủ, trước khi đi biển, chồng giúp tôi dọn đồ đạc về ở cùng mẹ. Đó là lần chuyển trọ thứ nhất. 

Gia đình nhỏ bé của tôi

Tôi và mẹ ở cùng trong căn nhà trọ khác, khoảng 12m2. Thương con bầu bí xa chồng lại trong cảnh nhà trọ chật hẹp, ngày nắng oi nóng, ngày mưa ẩm thấp, nhiều lần mẹ lén tôi lau nước mắt.

Lúc này, tôi quyết tâm sẽ phải mua nhà Hà Nội, dù to hay nhỏ, cũng là có một chốn dung thân, không chỉ để gia đình ổn định, mà còn để cha mẹ khỏi phải lo lắng con cái, cháu chắt ở trọ thiếu thốn, chật hẹp.

Khi chỉ còn 1 tháng nữa là nghỉ sinh thì bất ngờ nhà chủ trọ của mẹ con tôi sửa lại khu trọ, một lần nữa, tôi phải dọn đồ đạc đi gửi khắp nơi và sang nhà chị gái ở tạm cách chỗ làm đoạn đường 20km. Quyết tâm mua nhà của tôi càng cao, nhưng, điều chúng tôi thiếu nhất vẫn là Tiền!

Tôi bàn bạc ý định mua nhà với chồng khi tàu của chồng cập bến có sóng điện thoại. Chồng tôi nói rằng: “Mua nhà cũng là mục tiêu của anh, vì mục tiêu này mà vợ chồng phải xa nhau khi chuẩn bị đón con chào đời, vì mục tiêu này mà chúng ta phải cố gắng, vì tương lai của con”.

Ở Hoà Bình, nhờ người xem nhà để mua ở Hà Nội

Điều khó khăn nhất trong việc tìm kiếm nhà là chồng tôi ở xa, còn tôi sinh em bé và đang ở quê Hòa Bình cách Hà Nội 100km.

Không có người cũng chẳng có thời gian để đi xem đất, chúng tôi được anh chị ở Hà Nội đi xem giúp vài căn chung cư cũ tại Khu đô thị Đặng Xá.

Vợ chồng cùng quyết định chọn mua chung cư cũ tại Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm mà không tham khảo thêm các nơi khác vì những lý do:

Thứ nhất, Khu đô thị Đặng Xá mới bàn giao nhà cách đây 5 năm, dù mua lại chung cư cũ nhưng nhà vẫn còn mới. Nhà cũ giá rẻ hơn và thường có sẵn đồ nội thất cơ bản, phù hợp với điều kiện kinh tế của vợ chồng tôi.

Thứ hai, Khu đô thị Đặng Xá ngay đường Quốc lộ 5, cách cầu Thanh Trì khoảng 2km, rất tiện lợi cho công việc của chồng tôi thường phải đi lại Hà Nội - Hải Phòng.

Thứ ba, Trong Khu đô thị có cả trường Mầm non, cấp một, cấp hai công lập, gần Bệnh viện và trung tâm hành chính huyện Gia Lâm, tiện lợi cho việc học tập sau này của con.

Lý do cuối cùng vì gần nhà anh chị tôi, trong trường hợp cần thiết sẽ có người giúp đỡ.

Mỗi ngày, chị gái tôi dành thời gian đi xem nhà rồi chụp ảnh, quay video gửi cho tôi. Thực sự, chúng tôi rất biết ơn chị vì nếu không có chị giúp đỡ, có lẽ chúng tôi không thể chọn được căn nhà ưng ý.

Sau rất nhiều lựa chọn: căn đẹp nhưng không có nội thất, căn rẻ nhưng nhà đã cũ; căn rộng nhưng ở tầng trên cùng rất nóng… Chúng tôi ưng ý được căn 48.8m2, giá 700 triệu đã bao gồm nội thất. Vợ chồng chủ nhà cũ là hai bác giáo viên đã nghỉ hưu, nay muốn bán nhà để chuyển về ở cùng con cháu.

Ngày chồng tôi về nước là đêm thứ 7, ngay trong sáng ngày Chủ Nhật, chồng tôi đi xe lên Hà Nội để xem và đặt cọc tiền nhà, thậm chí chưa kịp bế con.

Khi ấy chúng tôi không có tiền mặt, chỉ có hơn 2.000 đô la tiền chồng được trợ cấp trên tàu, tương đương khoảng gần 45 triệu tiền mặt, cầm đi để nếu ưng sẽ đặt cọc luôn, còn tiền nhà - tính sau!

Đặt cọc tiền nhà ngay từ căn đầu tiên đi xem 

Suốt buổi xem nhà, tôi ở quê dù tôi đã dặn kỹ là chồng phải quay video về cho mình cùng xem, nhưng không biết do mải xem nhà hay vì hợp nói chuyện với hai bác chủ nhà, mà chồng quên luôn việc bàn bạc với vợ.

Mãi lúc về, tôi mới biết “giao dịch” đã thành công, Chủ nhà muốn đặt cọc 50 triệu nhưng vì chúng tôi không có đủ tiền, nên chấp nhận số tiền cọc 45 triệu.

Số tiền nhà còn lại, chúng tôi được thanh toán trong vòng 3 tháng, đủ tiền lúc nào, chuyển về ở lúc ấy, vì hai bác chủ nhà cũ về ở với con nên không bị gấp thời gian.

Vậy là chúng tôi đã quyết định làm giấy đặt cọc mua ngay căn nhà đầu tiên và duy nhất đi xem, thậm chí còn không đủ cả hai vợ chồng! 

Đặt cọc rồi, tiếp đó là vay vốn để trả số tiền 650 triệu còn lại. Tất cả tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, tiền phụ cấp thai sản, tiền mọi người mừng sinh em bé... gộp lại được 150 triệu.

Số tiền 500 triệu còn lại, chúng tôi may mắn được gia đình, họ hàng hai bên giúp đỡ cho vay nên không phải vay lãi ngân hàng.

Ngày được chồng đưa tôi và con lên Hà Nội và bước chân vào căn nhà “của chúng mình”, cảm giác đầu tiên của tôi là căn nhà nhỏ quá, nhưng ấm áp vô cùng với phòng ngủ được sơn sửa lại lớp sơn màu hồng, phòng khách có kệ đồ với mấy chậu cây nhỏ xinh, gian bếp cũng xinh xinh với toàn bộ đồ gỗ màu nâu nhạt…

Lúc ấy, tôi rất hạnh phúc, dù chỉ là nhà chung cư cũ, dù rất nhỏ chỉ một phòng ngủ, nhưng đó là sự cố gắng nhất nhiều của chúng tôi.

Và tôi cũng hoàn toàn hài lòng: Vì bé, nên dù ở góc nào trong căn nhà, tôi đều có thể nhìn được con. Vì bé, nên việc dọn dẹp sẽ nhanh chóng, nhàn nhã hơn. Và điều quan trọng nhất mà chúng tôi bảo với nhau: Nhà nhỏ nhưng hạnh phúc là được!

Lo xong tiền nhà, lo đến tiền thuế phí sang tên

Thế nhưng, trong quá trình làm giấy tờ chuyển nhượng có phát sinh ngoài dự tính. Số tiền sang tên đổi chủ gấp đôi số tiền chúng tôi dự tính. Tổng thuế phí lên đến 92 triệu.

Vì toàn bộ tiền đã được gom góp để mua nhà, nên chúng tôi đành mang hết số vàng được mừng cưới đi bán cộng vay mượn bạn bè.

Với tôi, số vàng không chỉ là “của hồi môn” của mọi người dành tặng, mà còn là tài sản phòng khi có việc đột xuất mà không có tiền, đứng trước cửa tiệm vàng, hai vợ chồng vẫn nhìn nhau tiếc nuối: “Tất tay à chồng?”, “Tất thôi!”.

Tôi nhớ câu chuyện anh chị tôi kể, ngày mới cưới vì quá khó khăn nên phải bán cả nhẫn cưới, chúng tôi vẫn còn nhẫn cưới để đeo, coi như vẫn chưa khó khăn quá!

“Nhà to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là đủ tình yêu thương”

Sau khi chính thức chuyển sang nhà mới cũng là quãng thời gian khó khăn nhất của vợ chồng tôi.

Vì đặc thù nghề nghiệp của chồng, đi không đi biển là không có việc làm, còn tôi đang nghỉ thai sản, coi như hai vợ chồng đều thất nghiệp!

Chúng tôi không dám sắm sửa thêm bất cứ đồ gì mới, không đi chơi, không dám mua thêm cái gì nếu không thật sự cần thiết, ngay cả đồ của con cũng là do mọi người cho, quần áo cũ của các anh chị lớn…

Chúng tôi dự định rằng, trước khi chồng tôi tiếp tục đi tàu chuyến khác, vợ chồng phải trốn con một buổi đi “hẹn hò”, nhưng cuối cùng cho đến lúc chồng đi cũng không thực hiện được, vì hai đứa... tiếc tiền!

Ổn định nhà cửa, tôi đi làm trở lại, may mắn có được một công việc mới không quá căng thẳng và được thoải mái thời gian.

Chồng tôi cũng kiếm một công việc làm trong thời gian chờ chuyến tàu mới. Mỗi tháng lương, chúng tôi sắm thêm một thứ mới, tháng này mua được cái tivi, tháng sau lắp được cái điều hòa….

Cho đến nay đã được 6 tháng. Chồng tôi đã tiếp tục hành trình mới trên biển, có lẽ 8, 9 hoặc 10 tháng nữa mới được về.

Có được chỗ ở ổn định cho vợ con, chuyến đi lần này của chồng cũng đỡ lo lắng hơn. Số lương chồng gửi về mỗi tháng dùng để trả nợ, còn lương của tôi để chi tiêu trong gia đình.

Dù phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Điều mà chúng tôi biết ơn nhất trong hành trình “mua nhà Hà Nội” của mình là sự giúp đỡ của người thân, bạn bè.

Ngay cả khi mang tiền trả nợ, vẫn nhận được những câu nói rất ấm lòng như: “Cứ giữ lấy trả chỗ khác, anh chưa cần dùng đến”, hay “Tiền trả nợ hết rồi có thiếu tiền sinh hoạt không?”

Qua câu chuyện của mình, tôi muốn gửi lời nhắn đến các cặp vợ chồng, đặc biệt vợ chồng trẻ, hãy cứ quyết tâm và thực hiện trong khả năng của mình.

Khi còn trẻ, chúng ta còn thời gian để kiếm tiền, vì vậy đừng ngần ngại và lo sợ trước số tiền lớn. Nếu không có điều kiện để mua nhà đất, chúng ta có thể mua chung cư; nếu không có nhiều tiền mua nhà mới, chúng ta có thể mua nhà cũ; nếu không thể mua nhà to, ta có thể mua nhà nhỏ…

Luôn có lựa chọn phù hợp dành cho tất cả, như quan niệm của vợ chồng tôi: “Nhà to hay nhỏ không quan trọng, quan trọng là đủ tình yêu thương”.

Hoàng Thị Thu (25 tuổi, Khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội) 

Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.

Trong đó nội dung tập trung:

• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?

• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội? 

• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?

• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình

Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.

Chi tiết TẠI ĐÂY

Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu:


Tin liên quan