2 hình thức xử lý đối với người tự ý sao kê tài khoản ngân hàng người khác và đưa lên mạng

Pháp luật quy định rất rõ về việc tự ý in sao kê tài khoản ngân hàng của người khác và làm lộ sao kê khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản.

Thông tin với PV Gia Đình Mới, luật sư Thu Hạnh (Công ty Luật TNHH Link & Partners, Hà Nội) cho biết, trường hợp cá nhân không được đồng ý của chủ tài khoản mà tự ý sao kê tài khoản ngân hàng của người đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Xử phạt vi phạm hành chính:

Căn cứ Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử:

“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

  • a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;
  • b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;…”.
Tự ý in sao kê tài khoản ngân hàng người khác và đưa lên mạng xã hội phải chịu 2 mức xử phạt hành chính và hình sự.

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo quy định tại điều 288 Bộ luật hinh sự 2015 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
  • Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
  • a) Có tổ chức;
  • b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
  • c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
  • d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

  • e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
  • g) Dẫn đến biểu tình.”

Tường hợp nào được sao kê tài khoản ngân hàng của người khác?

Theo Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về Bảo mật thông tin:

“2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

  • Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng

Như vậy, chỉ khi có sự đồng ý của Khách hàng hoặc có yêu cầu của  một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 10 Nghị định 117/2018/NĐ-CP quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài thì Ngân hàng mới được phép cung cấp thông tin về các giao dịch vủa Khách hàng (sao kê ngân hàng).

Có thể kể đến một số cơ quan nhà nước theo quy định tại Điều 10 Nghị định 117/2018/NĐ-CP được phép yêu cầu cung cấp thông tin như sau:  “Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra bộ; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra tỉnh; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra sở; Tổng Kiểm toán nhà nước, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, tỉnh và tương đương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, điều tra viên các cơ quan điều tra trong hệ thống cơ quan điều tra;…. và một số cơ quan khác”.

Như vậy, đối với các cá nhân, tổ chức không được sự cho phép của Khách hàng hoặc không thuộc trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì không được phép sao kê tài khoản ngân hàng của người khác.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan