Tin tức sức khỏe nước ngoài nổi bật ngày hôm nay 06/12/2019: Cô bé 13 tuổi người Anh suýt bị mù vì mảnh bút chì bạn ném vào mắt; WHO cảnh báo dịch sởi tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Dailymail, một cô bé người Anh (giấu tên) được các bác sĩ xác định có một dị vật nhỏ phía sau mắt. Nếu bị tổn thương, nó có thể gây mù.
Cô cho biết mình bị một bạn trong lớp ném chiếc bút chì và phần đầu bút dính vào mắt. Ngay lập tức, cô được đưa vào viện kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ phát hiện có hai mảnh chì bị mắc kẹt trong mắt, một mảnh có kích thước 6,7 mm (0,67cm) và một miếng khác có kích thước 1,6 mm (0,16cm).
Và cô bé đã được phẫu thuật ngay sau đó.
Tại Bệnh viện Mắt Hoàng gia Manchester, nơi cô gái được điều trị, có khoảng 20% thương tích ở mắt do các vật sắc nhọn dẫn đến mất thị lực hoặc thậm chí là loại bỏ mắt.
Các bác sĩ đã kêu gọi giáo viên, phụ huynh và trẻ em nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của việc ném bút, bút chì, các vật nhọn vào mắt.
WHO kêu gọi hành động để chống lại những nguy cơ sức khỏe do biến đổi khí hậu
Theo Japan Today, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo không khí độc hại do bão, cháy rừng đã gây nên rất nhiều vấn đề cho tim, phổi, dịch tả, sốt rét, sốt xuất huyết và có thể gây tử vong cao.
Maria Neira, giám đốc bộ phận môi trường, biến đổi khí hậu và sức khỏe của WHO cho biết nguyên nhân biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí chồng chéo và bà kêu gọi chấm dứt trợ cấp cho việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo WHO, việc đốt dầu, khí đốt và than đá là nguyên nhân gây ra 2/3 ô nhiễm không khí ngoài trời gây ra khoảng 4 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây cho thấy khí hậu nóng ở Hoa Kỳ từ 1969- 1988 đã làm gia tăng tỉ lệ sinh non. Còn tại Úc lại tồn tại vấn đề cháy rừng và khí thải bệnh viện. Và các cư dân Nam Phi đang vật lộn với cuộc sống vì nhà cửa, cánh đồng bị phá hủy.
WHO hiện có kế hoạch giúp các nước đang phát triển tập hợp các dự án để củng cố các hệ thống y tế của họ có thể đảm bảo sự ủng hộ từ các quỹ khí hậu quốc tế.
Số ca mắc sởi trên thế giới tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái
Theo The Guardian, WHO và Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ ước tính sự gia tăng của dịch sởi đang không có dấu hiệu giảm với gần 10 triệu ca mắc, trong đó có 142.00 ca tử vong.
Hầu hết đối tượng dễ mắc biến chứng nhất là trẻ nhỏ. Rất nhiều người bị viêm phổi và tổn thương não do biến chứng của sởi.
Vắc xin phòng sởi có thể phòng dịch bệnh đến 95% nhưng trên toàn thế giới, chỉ có 86% trẻ được tiêm mũi đầu tiên và chưa đến 70% trẻ được tiêm mũi thứ hai. WHO cảnh báo, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng sởi để đề phòng căn bệnh tưởng chừng như đơn giản nhưng rất nguy hiểm này.
Tại Anh, Mỹ, số ca mắc sởi có liên quan đến việc chống đối vắc xin. Còn tại Cộng hòa Dân chủ Congo, trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ và đã có hơn 4.500 người đã tử vong vì bệnh sởi trong năm nay - nhiều hơn số người chết vì Ebola.