Vụ vỡ đập thủy điện ở Lào đã được phát hiện sớm tuy nhiên những nỗ lực khắc phục vết nứt và xả nước trên đập chính không đủ để ngăn cản một thảm hoạ xảy ra.
Vào khoảng 20h ngày 23/7/2018, đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu bị vỡ nhấn chìm nhiều khu vực trong biển nước, cuốn theo một số ngôi nhà ở phía nam huyện Sanamxay. Đã có ít nhất 26 người chết, 131 người mất tích và hơn 11.000 người bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, ít người biết 24 giờ trước khi đập Xe-Pian Xe-Nam Noy bị sập, việc này đã được dự báo trước và các kỹ sư đã cố gắng hết sức ngăn cản thảm họa xảy ra.
Công ty SK Engineering - một trong những nhà thầu tham gia vào dự án xây dựng đập thủy điện Xe Pian XeNam Noy trị giá 780 triệu Euro (tương đương với hơn 23 nghìn tỷ đồng), cho biết công ty này đã thông báo với chính phủ và bắt đầu di tản dân làng đang sinh sống ở các vùng phía đông nam tỉnh Attapeu 1 ngày trước khi có sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào.
Theo đó, ông Lee Kan Yeol, người đứng đầu phụ trách công tác tái định cư xây dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Nam Noy, đã nhận định con đập này không còn an toàn và đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm.
9 giờ tối ngày 22/7/2018 sau khi phát hiện vết nứt và hư hại lớn ở đập phụ D, các kỹ sư đã mang thiết bị hạng nặng đến sửa chữa ngay trong đêm. Đến 3 giờ sáng ngày 23/7/2018, các kỹ sư quyết định mở một van khẩn cấp để giảm bớt mực nước tràn ra các khu vực lân cận, đồng thời thông báo yêu cầu di tản cư dân ngay lập tức.
Tuy nhiên, đến khoảng 18 giờ ngày hôm đó (23/7/2018), mực nước tiếp tục dâng cao, vượt quá tầm kiểm soát của các kỹ sư. Những nỗ lực khắc phục vết nứt và xả nước trên đập chính không đủ để ngăn cản các hư hỏng nặng nề khác xuất hiện, vào lúc 20 giờ ngày 23/7/2018, con đập Xe-Pian Xe-Nam Noy chính thức bị vỡ, nhấn chìm 7 trong số 12 ngôi làng tại huyện San Sai, tỉnh Attapeu.
Ngay sau khi sự cố vỡ đập xảy ra, Công ty SK Engineering của Hàn Quốc đã lập một đội quản trị khủng hoảng, triển khai trực thăng, thuyền cứu hộ, và nhiều quản lý cấp cao từ Tập đoàn SK từ Hàn Quốc bay sang Lào hỗ trợ công tác cứu hộ.
Sau sự cố vỡ đập xảy ra, hàng ngàn ngôi nhà vẫn đang bị nước nhấn chìm vừa chưa có dấu hiệu rút đi. Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do đa số người bị nạn đang ở trong các khu vực hẻo lánh, khó tiếp cận.
Ngày 25/7, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith chia sẻ trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp rằng, vẫn còn 131 người bị mất tích, tất cả đều là công dân Lào. Đội cứu hộ đã tìm thấy 26 người tử vong.
Ông Anoulak Kittikhoun của Ủy hội sông Mekong (MRC) tại Viêng Chăn, thủ đô của Lào đã thông báo mực nước sông Mekong đã tăng lên do mưa lớn kéo dài và ảnh hưởng của đập thủy điện bị vỡ. Ông cũng khẳng định rằng: "Tuy vậy, chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu cảnh báo xảy ra lũ lụt".
Theo thống kê của Ủy hội sông Mekong, lượng nước của sông Mekong đã tăng từ 8,4 lên 11,4 mét, nhưng chưa đạt mức cảnh báo (11,5 mét), và mức báo hiệu có lũ lụt (12,5 mét).