Thói quen ăn uống gây táo bón mà nhiều người Việt mắc phải

Táo bón do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có một số thói quen xấu mà nhiều người mắc phải gây ra tình trạng táo bón kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống.

Xem thêm

Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, Nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, táo bón gây ra một loạt triệu chứng khó chịu, làm cho người bị táo bón cảm thấy bực bội, khó chịu, ăn uống không ngon, ngủ kém, mệt mỏi, sức khỏe sa sút…

Nói về nguyên nhân gây ra táo bón, bác sĩ Liên chỉ rõ, bên cạnh nguyên nhân do mắc các bệnh lý khác, sử dụng thuốc, tổn thương thần kinh… thì một số thói quen xấu dưới đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón kéo dài.

Uống ít nước là thói quen xấu gây hại cho cơ thể và dễ gây ra tình trạng táo bón kéo dài. Ảnh minh họa

Uống ít nước: Để các cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru thì mỗi người cần uống khoảng 2 lít nước/ngày. Nhưng do công việc bận rộn, do lười, do quên… mà không ít người hình thành thói quen uống ít nước.

Và khi uống ít nước dẫn đến cơ thể sẽ tạo phản ứng hấp thụ nước nhiều nhất và nhanh nhất ở cả ruột non và ruột già. Chính vì vậy, chất thải sau khi tiêu hóa sẽ chứa rất ít nước, chúng bị khô, vón cục lại, gây táo bón.

Vậy nên, để giảm táo bón cần hình thành thói quen uống nhiều nước (khoảng 2 lít nước/ngày). Uống nhiều nước có tác dụng làm mềm phân và giảm ma sát giữa niêm mạc ống tiêu hóa với khối phân khi phân di chuyển theo chiều nhu động và trọng lực. Từ đó giúp quá trình đại tiện diễn ra dễ dàng hơn.

Ăn quá nhiều chất xơ cứng: Nhiều người cứ nghĩ bổ sung chất xơ sẽ giúp tiêu hóa tốt hơn, nhưng thực chất chỉ những chất xơ hòa tan có trong phần non của rau củ quả khi được đưa vào ống tiêu hóa mới tác dụng làm khuôn phân mềm, di chuyển dễ nếu có lượng nước thích hợp.

Bên cạnh đó, chất nhờn của tinh dầu (vừng, lạc, dừa,...) của các loại lá có độ nhớt cao (nước rau mùng tơi, lá rau lang,...) và chất xơ tinh bột cũng có tác dụng hấp thu nước để tự làm mềm khối phân khi di chuyển...

Còn chất xơ cứng có trong phần rau  già cứng, trong măng… rất khó tiêu do có chứa xenlulose. Nếu thường xuyên ăn, ăn nhiều chất xơ cứng sẽ tạo ra khuôn phân cứng, có thể gây tắc ruột do khối phân rắn này có kích thước lớn, bề mặt thô giáp, không trơn bóng làm hạn chế sự di chuyển trong đường tiêu hóa.

Thường xuyên ăn măng, các loại rau già dễ dẫn đến táo bón, tắc ruột. Ảnh minh họa

Ăn mặn: Thói quen ăn mặn với những thực phẩm muối như dưa muối, cà muối, cá muối, thịt muối, hay những thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối như xúc xích, mì tôm… cũng gây ra tình trạng táo bón.

Nguyên nhân là do đồ ăn mặn cung cấp nhiều muối vào cơ thể, khiến cơ thể tăng hấp thu nước ở ống tiêu hóa đặc biệt là đại tràng sẽ làm cho khối phân bị "vắt" kiệt nước, khối phân rắn, di chuyển rất khó khăn do mất đi hiện tượng bôi trơn bề mặt giữa phân và niêm mạc ruột.

Sử dụng các chất kích thích: Các loại đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, coca, chất cồn như rượu, bia có thể gây ra tình trạng khử nước của cơ thể, làm chứng táo bón thêm nặng.

Lười vận động: Nằm lâu, ngồi nhiều, lười thể dục thể thao cũng gây ra hiện tượng bí trệ trong hệ tiêu hóa do giảm nhu động ống tiêu hóa, hạn chế tống xuất phân ra ngoài và gây ra táo bón.

Nhịn đại tiện: Nhịn đại tiện, đại tiện không đúng khung giờ cố định trong ngày làm cho cơ thể không tập luyện được phản xạ đi ngoài. Phân ứ đọng trọng ruột quá lâu sẽ bị mất nước và sinh ra táo bón. Cố gắng đi nhà vệ sinh vào buổi sáng hoặc khoảng 30 phút sau bữa ăn, vì đây là thời điểm dễ dàng đi vệ sinh.

Khi đi vệ sinh nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và ngồi quá lâu. Không cố sức rặn nếu cảm thấy khối phân rắn chắc, không đẩy được ra ngoài, nếu cố sức rặn có thể làm rách vùng niêm mạc hậu môn, gây hiện tượng đi ngoài ra máu, đau hậu môn trực tràng,...

An Bình/giadinhmoi.vn

Tin liên quan