1. Cháo thịt nạc súp lơ
Nguyên liệu gồm: thịt lợn nạc 50g, súp lơ 200g, gạo tẻ 100g, bột ngọt 1g, muối 2g.
Cách làm: thịt nạc băm nhỏ, súp lơ rửa sạch thái miếng. Cho gạo đã vo sạch vào nồi với một lượng nước vừa đủ, đun sôi trong một thời gian ngắn.
Tiếp đó cho súp lơ, thịt nạc băm nhỏ vào trong nồi. Đun nhừ thành cháo, khi được thì thêm muối, bột ngọt cho vừa ăn.
Công dụng của món cháo thịt nạc súp lơ là hỗ trợ điều trị táo bón và tiêu hóa kém. Rau súp lơ rất tốt trong việc phòng bệnh xấu máu và cảm cúm.
Còn thịt lợn có hàm lượng protein, chất xơ phong phú, giúp bổ âm, nhuận tràng, có tác dụng làm cho cơ thể khỏe khoắn, cải thiện tình trạng táo bón, tiêu hóa kém.
Gạo tẻ có chứa nhiều axit hữu cơ, muối vô cơ, làm tăng sự ngon miệng và có hiệu quả trong việc thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
2. Củ cải hầm đậu phụ
Nguyên liệu gồm đậu phụ non 250g, củ cải 250g, dầu vừng 10ml, bột ngọt 1g, muối 2g, bột đỏ 10g, tỏi 5g.
Cách làm: Cho đậu phụ vào nước sôi ngâm qua một lúc, sau đó vớt ra thái lát. Củ cải rửa sạch thái sợi nhỏ trộn với bột đỏ xào bằng dầu thêm một chút nước nóng đun đến khi củ cải nhừ thì cho đậu phụ vào thêm một chút gia vị, dầu vừng và một ít tỏi vào là được.
Món củ cải hầm đậu phụ có tác dụng thúc đẩy quá trình co bóp của dạ dày, đại tiện dễ dàng, tiêu đờm, lợi tiểu, dễ tiêu, tiêu hóa kém, bị phù thũng khi mang thai, táo bón.
3. Canh bí xanh dầu mè
Nguyên liệu: dầu mè 25g, bí xanh 300g, gừng 5g, hành khô 10g, mỡ gà 30g, muối, mì chính vừa đủ.
Bí xanh đem gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch, thái miếng vừa ăn, gừng thái lát, hành thái khúc.
Cho bí xanh, gừng, hành vào nồi, thêm nước vừa đủ, đun sôi vặn nhỏ lửa nấu khoảng 30 phút nêm muối, mì chính, dầu mè, mỡ gà là được.
Món canh bí dầu mè có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, thích hợp cho những người bị táo bón.
4. Rau dền xào tỏi
Nguyên liệu gồm rau dền 500g, muối, dấm, tỏi lượng vừa đủ.
Cách làm: Rửa sạch rau dền, cho vào nồi nước sôi ngâm một lúc, vớt ra để nguội, sau đó vắt hết nước, thái đoạn ngắn. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, thái miếng.
Bắc nồi lên bếp, cho dầu và một phần tỏi vào phi thơm, sau đó cho rau dền vào xào, cho tiếp chỗ tỏi còn lại vào, thêm muối, mì chính vừa đủ, đảo đều một lúc là được.
Món rau dền xào tỏi có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông lợi đại tiểu tiện, thích hợp với người bị kiết lỵ trắng đỏ kiểu thấp nhiệt và viêm ruột, người bị chứng viêm niệu đạo, viêm bàng quang, tiểu tiện đau rát, táo bón.
5. Cháo khoai lang bí đỏ
Nguyên liệu gồm bí đỏ 100g, khoai lang 100g, đậu xanh 100g, gạo lứt 100, đường đỏ lượngvừa đủ.
Cách làm món cháo khoai lang bí đỏ: Vo sạch gạo lứt, đậu xanh, ngâm vào nước nóng nửa giờ. Tiếp đó gọt vỏ bí đỏ, khoai lang rồi đem rửa sạch, thái miếng.
Bắc nồi lên bếp cho đậu xanh, gạo lứt, bí đỏ, khoai lang vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ. Đun sôi thì chuyển sang lửa nhỏ ninh nhừ thành cháo, thêm đường đỏ vừa ăn là được.
Cháo khoai lang bí đỏ ngọt nhuận, có thể thanh nhiệt lợi thấp, kiện tỳ tiêu thực, thích hợp với người bệnh kiết lỵ, viêm ruột và người tỳ vị hư nhược.
Xem thêm clip: Những món ăn cực độc trước cổng trường đang "hút" học sinh