Thời điểm thích hợp nhất để mua nhà Hà Nội là khi nào?

Với các cặp vợ chồng trẻ, nhất là người ngoại tỉnh không dư dả về tài chính thì việc quyết định mua nhà ở Hà Nội đều ở thế 'cực chẳng đã'.

Ngàn lẻ lý do nhưng chung quy từ 2 mối lo lớn...

Tốt nghiệp ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Nho - một kỹ sư trẻ quê Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp.

Sau một biến cố tai nạn lớn của cuộc đời dẫn đến thương tật, anh gặp một cô gái mà anh tin rằng đó là một nửa của đời mình sau này. Với hoàn cảnh cá nhân, anh không được bố mẹ người yêu chấp thuận cho cưới trong bối cảnh “tay trắng lúc bấy giờ”.

Hiểu được nỗi lo lắng sâu xa của nhà vợ nên anh đã quyết tâm mua nhà Hà Nội để chứng minh (tác phẩm: Gia đình vợ không cho phép cưới, tôi đã quyết tâm mua nhà Hà Nội để chứng minh) sau khi đã cân nhắc kỹ hoàn cảnh tài chính. Song thú thực “Để mua nhà trên đất Hà Nội là điều không hề đơn giản, nhất là khi tôi còn hạn chế về kinh tế”- anh Nho cho biết.

Hay với trường hợp anh Nguyễn Trí Tuệ- một thanh niên Hà Nội với chất chơi “giai phố cổ: hào phóng nhưng tiêu hoang” – như anh tự nhận, đã khiến anh sau 15 năm đi làm mới chỉ để dành được hơn trăm triệu đồng nên việc có được căn nhà cho riêng mình là điều xa vời. Thế nhưng khi yêu vợ anh (bây giờ) và nghe cô ấy nói giọng chắc nịch: “Anh muốn lấy em thì phải có nhà cho em ở.

“Tôi cũng suy nghĩ và quả thực cảm thấy bế tắc, vài trăm triệu là con số quá lớn so với khoản trăm triệu tôi đang có. Nhưng cô ấy lại nói: “Anh cứ nghĩ đi, hoặc em và căn nhà hoặc không gì cả”- anh Tuệ kể (trong tác phẩm dự thi: Là 'giai phố cổ' Hà Nội nhưng tôi phải mất 15 năm mới dành được 120 triệu để mua nhà) 

Còn với vợ chồng chị Trần Thị Hoàng Yến - lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại Hà Nội thì đồng lương eo hẹp khiến việc thuê nhà và tính chuyện nuôi con sau này không đủ thì nghĩ gì đến việc mua nhà ở Hà Nội (trong tác phẩm dự thi: Kế hoạch mua nhà Hà Nội hoàn hảo sau cảnh chồng tôi phải ngủ đất ở phòng trọ

“Khi thiên thần nhỏ bé của chúng tôi chào đời. Căn phòng trọ 16m2 trở nên chật chội hơn bao giờ hết. Chồng tôi đã luôn nhường “suất” ngủ giường cho mẹ con bà cháu, còn anh nằm dưới nền nhà cùng liểng xiểng những đồ những đạc. Trời ơi lại đúng đợt cao điểm nắng hè. Không điều hòa thì phòng như lò nướng, mà bật điều hòa thì thực là… nướng tiền”- chị Yến kể.

Chị Yến nhẩm tính, cứ mức trung bình mỗi tháng tiền trọ và điện nước là 4 triệu. Nếu vay ngân hàng thì mức chi đó cũng tương đương với khoản lãi của nửa tỷ. “Con của chúng tôi sẽ ngày mỗi lớn, bố mẹ cứ mang thân tầm gửi mãi sao được. Chúng tôi quyết: Phải nghĩ cách, phải mua nhà!”

Nghĩ đến tương lại của con, vợ chồng chị Yến đã hạ quyết tâm phải có nhà ở Hà Nội

Cũng rơi hoàn cảnh tương tự, vợ chồng anh Nhữ Phong- viên chức tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội cũng chỉ quyết tâm mua nhà khi vợ sinh con đầu lòng và căn nhà trọ trở lên chật chội, bức bối khi có thành viên nhỏ thứ 3 xuất hiện (trong tác phẩm dự thi: Vợ chồng tôi gọi điện vay bạn bè từng khoản 2 triệu, 5 triệu đồng để mua nhà Hà Nội).

“Nhà thuê chật chội khiến chúng tôi bàn tính đến việc mua nhà để có chỗ ở rộng hơn. Ấy vậy nhưng, bàn tính mãi, tìm hiểu mất cả năm trời vẫn chưa có chỗ... ưng” – anh Phong nhớ lại.

Với chị Thu Huyền, sau khi lấy chồng tỉnh lẻ, chị dọn ra ở riêng trong căn nhà trọ cấp 4 rộng chừng 30m2 với giá 3 triệu đồng/tháng ở gần nhà mẹ đẻ.

Nhưng chỉ sau hơn 1 năm ở trọ nhiều vấn đề nảy sinh, trong đó có vấn đề liên quan đến căn chật hẹp, ẩm thấp mà chị thấy sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con cũng như tình hình mất an toàn khi nhà  trọ của chị  đã từng bị trộm tấn công giữa ban ngày.

Cực chẳng đã chị phải tính chuyện ôm con về nhà bà ngoại sống. Nhưng được một thời gian thì có bất đồng cách sống với mẹ đẻ. "Trong lúc bức xúc, tôi đùng đùng đi thu dọn đồ đạc, bắt chồng ngay lập tức tìm mua nhà Hà Nội để chuyển nhà"- chị Huyền chia sẻ lý do chị quyết định mua nhà ở riêng (trong tác phẩm dự thi: Bị mẹ đẻ mắng, tôi đùng đùng giục chồng mua nhà Hà Nội với 300 triệu đồng)

Thời điểm mua nhà tốt nhất là khi... đủ quyết tâm chứ không phải tiền

Theo các chuyên gia tư vấn bất động sản, động cơ mua nhà của các cặp vợ chồng trẻ thì có nhiều. Nhưng lý do lấy vợ, sinh con có tác động mạnh và thúc đẩy các cặp vợ chồng trẻ đi đến suy nghĩ và quyết định mua nhà sớm dù trước đó họ không có kế hoạch cho việc đại sự này.

Theo bà Đào Lan Anh - Một môi giới kiêm tư vấn, đầu tư bất động sản tự do có hơn 25 năm kinh nghiệm chia sẻ, người Việt thường có câu: "an cư mới lập nghiệp", "tổ ấm là nhà" nên thế hệ 8x và 9x ngày nay dù tư tưởng có "thoáng hơn" so với thế hệ trước khi họ không quá áp lực việc phải sở hữu một nhà riêng trước khi kết hôn, cũng như việc tìm kiếm một chỗ thuê trọ nơi thành phố như Hà Nội không còn là chuyện khó cho các gia đình trẻ thì họ sẽ thường nói: bao giờ có điều kiện (ý nói đến tiềm lực tài chính) sẽ tính cũng chưa vội.

"Tuy nhiên, đến khi nhà đất/ căn hộ được coi là một tài sản để chứng mình tiềm lực tài chính, độ ổn định của đối tác trước khi kết hôn hoặc thể hiện trách nhiệm của người lớn đối với tương lai con em họ thì lúc đó góc tiếp cận về việc sở hữu nhà và tính chuyện mua nhà sẽ khác.

"Tôi thấy nhóm đối tượng này có động cơ mạnh mẽ hơn và các giao dịch mua bán thường nhà diễn ra trong thời gian ngắn với tỷ lệ thành công cao hơn so với các nhóm khách hàng khác"- bà Lan Anh nhấn mạnh.

Chuyên gia tư vấn, đầu tư bất động sản Lê Lan Hương

Đồng quan điểm, Chuyên gia tư vấn, đầu tư bất động sản Lê Lan Hương cho biết thêm, với thế hệ bố mẹ, việc mua nhà là chuyện “cả đời” khi bố mẹ chúng ta phải tích góp chắc chắn trong tay 100% giá trị căn nhà mới dám mua.

Còn với nhóm 8x, 9x hiện nay, đó lại là điều họ muốn đạt được chỉ sau khoảng 3 – 5 năm sau kết hôn.

Không thể chờ “cả tuổi xuân” để tích góp, nhiều cặp vợ chồng 8x, 9x với tư duy cởi mở, cá tính và hiện đại đã quyết tâm tính chuyện xây dựng tổ ấm độc lập chỉ trong vòng 5 năm sau khi kết hôn.

Họ bắt đầu sống thực tế hơn, có kế hoạch và hướng đến một cuộc sống độc lập để được chủ động quyết định mọi thứ.

Thay vì chi tiêu thiếu kiểm soát cho những món đồ không cần thiết, họ đã bắt đầu nghĩ đến một thứ tài sản bền vững trong tương lai – đó là một căn nhà riêng, một nơi an cư của gia đình và nền tảng cho sự phát triển của con cái mai sau. 

Bởi vậy, quyết tâm mua nhà trước hết phải đủ, sau đó mới tính tới chuyện đủ... tiền! Hành trình mua nhà Hà Nội gian khó, không đủ quyết tâm, chắc chắn sẽ khó thành công! 

Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.

Trong đó nội dung tập trung:

• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?

• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội? 

• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?

• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình. 

Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.

Chi tiết TẠI ĐÂY

Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu:

H. Thành/giadinhmoi.vn

Tin liên quan