Hiện tại, các trường Đại học đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2022. Các thi sinh dự thi đại học năm 2022 cần nắm rõ các phương án xét tuyển của trường mình muốn đăng ký nguyện vọng để đăng ký cho chuẩn tăng thêm cơ hội trúng tuyển.
Các phương thức xét tuyển đã được các trường công bố, gồm:
1. Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT và quy định của trường.
2. Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM (xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT năm 2022; xét tuyển học sinh của 83 trường chuyên, năng khiếu của các trường đại học thuộc các tỉnh, thành trên toàn quốc; học sinh của 66 trường THPT).
3. Xét tuyển học sinh giỏi.
4. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
5. Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội); kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
6. Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ) theo tổ hợp môn.
7. Xét tuyển học lực kết hợp phỏng vấn.
8. Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
9. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài.
10. Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.
11. Xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả học tập 3 năm THPT.
12. Xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.
13. Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học.
14. Nhiều trường ĐH khác áp dụng phương thức xét tuyển từ học bạ, từ kết quả thi THPT, kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu…
Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo những trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn.
Theo Bộ GD&ĐT kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thời gian tổ chức Kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19 mà Bộ GD&ĐT đã công bố; đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.