Cây phượng vĩ hơn 20 năm tuổi ở trường THCS Trần Hưng Đạo (tỉnh Đồng Nai) bất ngờ đổ gục xuống sân trường sau cơn mưa lớn, va trúng 3 nữ sinh.
Sáng 5/6, bà Trần Thị Cao Sang, Hiệu trưởng trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thông tin với PV Gia Đình Mới: Một cây phượng vĩ trong sân trường vừa đổ sau cơn mưa lớn chiều 4/6.
"Cây phượng có hơn 20 năm tuổi, gốc bị mục ruỗng bên trong. Ngày 2/6, khi kiểm tra toàn bộ số cây trong trường thì cây này đã nằm trong kế hoạch cưa bỏ để bảo đảm an toàn cho học sinh. Tuy nhiên mấy ngày gần đây trời mưa liên tục, cây chưa được cắt bỏ thì bị đổ do mưa lớn".
Bà Sang cũng cho biết, khi cây phượng đổ, may mắn không có học sinh chơi dưới sân trường, có 3 nữ sinh đi qua có bị cành cây va trúng, may mắn là các em chỉ bị xây xát nhẹ. Sau khi đi kiểm tra sức khỏe, các em đã được trở về nhà.
Cây phượng vĩ đổ tại trường THCS Trần Hưng Đạo là cây phượng vĩ thứ 6 đổ trong thời gian gần 10 ngày trở lại đây tại TP.HCM, Bình Dương, Đắc Lắk, Đồng Nai... Trong đó đau lòng nhất là vụ việc tại trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP.HCM) khiến 1 học sinh tử vong.
GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho rằng, không riêng gì cây phượng, bất kỳ cây xanh nào trồng trong trường học hay trồng ở gia đình, phố xá đều có nguy cơ đổ nếu đến tuổi già nua.
"Nếu con người có quy luật sinh - lão - bệnh - tử thì cây cối cũng vậy. Sự mục ruỗng từ bên trong, những gốc rễ bị bó chặt, xén đứt của cây do thời gian hay do con người và những tác động dưới sự quăng quật của mưa bão, thì việc cây bị bật gốc, đổ gục lẽ thường tình của phượng hay bất cứ cây gì" - GS Chứ cho hay.
Thêm nữa, việc bê tông hóa phần lớn diện tích khiến cho những cây xanh không còn đất sống, thay vào đó chúng được cắt gọt rễ rồi vo tròn để vừa vặn, nằm trọn trong những bồn xi măng bé tí tẹo, bộ rễ không thể đâm sâu xuống lòng đất lấy chất dinh dưỡng nuôi cây nên cũng là 1 nguyên nhân khiến tuổi thọ của cây ngắn lại.
GS Chứ cũng cho biết, cây xanh cũng luôn cần được kiểm tra theo định kỳ để nắm được "sức khỏe" của cây ra sao, từ đó có phương án chăm sóc, bảo vệ cho cây cũng như đảm bảo an toàn cho mọi người, đề phòng trường hợp cây đổ xảy ra bất cứ lúc nào.
Về việc chọn cây xanh nào trồng trong các trường học để không bị gãy đổ, các chuyên gia về cây xanh cho rằng: Các trường nên chọn cây có rễ cọc, bám sâu dưới lòng đất, chiều cao của cây chỉ hạn chế 10 - 15m, không nên trồng loại cây cao quá, khó xử lý khi phải cắt tỉa cành cây hàng năm.
Đặc biệt, khi trồng cây tuyệt đối không chặt rễ cái, vì khi chặt rễ cái thì khả năng cây đứng vững trong gió bão là rất kém. Các đơn vị không nên chặt rễ cây, bọc trong nilon và xây bê tông quanh gốc cây.
Về vấn đề sau khi xảy ra các vụ đổ cây phượng, cây xanh trong trường học thời gian gần đây, nhiều trường tiến hành chặt bỏ hết các cây xanh trong trường, GS Chứ cho rằng đó không phải là cách làm hay, bởi sân trường sẽ không còn bóng mát, không khí sẽ nóng nực cho thầy và trò.
Các trường nên phối hợp với đơn vị chuyên môn kiểm tra theo định kỳ cây xanh để từ đó có phương án phù hợp, vừa tạo bóng mát trong nhà trường, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.