Tết là những trách nhiệm chỉ mặt đặt tên nhưng khi xong xuôi sẽ thấy mình hạnh phúc

Khi gánh trên vai trách nhiệm của một người trưởng thành, thì đó là họ đang tạo ra Tết cho con cái của họ, cho gia đình và cho những người họ yêu thương.

Sau một năm vất vả, Tết – kỳ nghỉ dài với những phút giây ấm áp quây quần bên gia đình đã đến. Tết cũng là khoảnh khắc đất trời giao thoa trong niềm hân hoan chào đón một năm mới với nhiều hy vọng.

Mùa xuân tràn xuống từng con đường nhỏ, mỗi góc phố, mà gần nhất là chợ phiên họp mỗi sáng ở nơi chúng ta sống. Tất cả nguyên liệu làm nên một cái Tết đầy đặn được bày bán đẹp mắt và ngon lành, chỉ chờ các bà nội trợ đến ngắm nghía, nâng lên đặt xuống, trả được giá và mang về nhà.

Xếp trong cái làn đỏ mà một người trung tuổi đang xách đi từ đầu đến cuối chợ kia là vài nắm lá dong, mấy buộc lạt trắng phau, túi gạo nếp, túi đỗ xanh ruột vàng lấp ló và đôi ba cân thịt pha vai lẫn chút mỡ. Một nồi bánh chưng vuông vức nghi ngút khói đang chờ đón sự tham gia của cả nhà trong từng khâu tạo ra nó.

Người rửa sạch lá dong rồi dùng khăn sạch lau khô, người ngâm và xóc gạo với muối, người đồ đỗ, người rửa thái miếng thịt to bản rồi ướp thịt với muối, hạt tiêu và cuối cùng ngồi gói bánh chưng với nhau. Con trẻ hào hứng trông nồi bánh đang sôi sục, khều bắp ngô, củ khoai nướng rồi ăn với nhau lem nhem.

Bên cạnh chiếc xe máy treo túi lớn túi bé nào là vỏ bánh đa nem, măng khô, miến… là bộ cúng Ông Công – Ông Táo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp. Dừng lại khu bán hoa, một người đang cầm bó tầm xuân với nhiều nụ hoa nhỏ nhắn mọc liên tiếp nhau đủ các sắc màu xanh, đỏ, hồng, vàng, tím.

Một người khác mang về nhà ly vàng, ly hồng, lan trắng, lan tím, hoa salem… Hoa thược dược đỏ và hoa violet được nhiều người chọn mua. Bởi với họ, thấy thược dược và violet là thấy Tết.

Trên nhiều chuyến xe rời chợ, là cành đào, cây quất, mang niềm hy vọng may mắn và cầu mong một năm mới làm gì cũng được vui. Xen lẫn tiếng ra giá của người bán là tiếng mặc cả của người mua, rồi cùng trò chuyện vui vẻ: “Nhà chị sắm Tết đến đâu rồi?” Và ai cũng tất bật lao về những quầy hàng đang có món đồ mình cần để chuẩn bị một cái Tết ấm áp.

Trước đây, không khí Tết bắt đầu từ 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công ông Táo lên chầu Trời. Từ ngày 24 trở đi, không khí lại càng trở nên rộn ràng, hầu như nhà nào cũng có pháo đốt đì đùng trước cửa nhà.

Người lớn lau dọn bàn thờ tổ tiên, đi tạ quan thần linh ở những nơi đặt phần mộ ông bà cụ kỵ, tổng vệ sinh nhà cửa, ngõ xóm... Từ 27 đến 30 tháng Chạp, nhiều nhà chung nhau mổ lợn, gói bánh chưng, bánh tẻ, quấy chè lam, nấu kẹo lạc…

30 Tết là khoảng thời gian quan trọng và có ý nghĩa đối với chúng ta, các thành viên trong gia đình tề tựu về đại gia đình của mình, cùng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, quây quần bên mâm cơm tất niên, cùng nhau hoàn thành những phần việc cuối cùng, chuẩn bị cho thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Tôi có một bà chị đã định cư ở Pháp hơn 10 năm. Trừ một cái Tết chị về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình, còn lại, chị cùng chồng và hai đứa con đều đặn di chuyển từ thành phố Lyon đến thủ đô Paris – nơi có những người bạn đồng hương để quây quần ăn Tết Nguyên Đán với nhau.

Trên mâm cơm ngày Tết ở đất nước xa xôi đó, chị và các bạn của mình cũng bày biện những món ăn truyền thống với bánh chưng, thịt gà luộc, nem rán, giò, canh măng... Chị tôi diện bộ áo dài thướt tha, món đồ chị nâng niu mang từ quê hương Việt Nam. Bộ áo dài đó đã đi cùng chị qua gần 10 cái Tết ở trời Âu.

Năm nay, chị quyết định đặt vé máy bay để cả gia đình về Việt Nam ăn Tết. Chị tâm sự, chị muốn các con của mình biết chiếc bánh chưng được gói như thế nào, muốn chúng cảm nhận rõ hơn những việc làm của người Việt vào dịp Tết và quan trọng, chị muốn được sống trong không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc, được đi chợ ngày Tết và hoà quyện cùng con người đất Việt ở nơi chôn rau cắt rốn. Đó sẽ trở thành những kí ức lấp lánh nhất của gia đình chị về ngày Tết Nguyên Đán. 

Để mỗi bước chân trở về những ngày Tết của chúng ta đều rất đỗi bình yên và an ổn. Và tâm hồn chúng ta cũng “xuân” theo mỗi mùa xuân của đất trời.  

Đây là dòng trạng thái mà tôi thấy nhiều trong mấy ngày giáp Tết, kèm với đó là rất nhiều cảm xúc, nhưng không có cái nào mang tính chất háo hức và vui mừng khi thấy Tết đang về rất gần. Có phải, người lớn đang nhìn hàng tá những áp lực do Tết mang lại bằng cái nhìn đầy âu lo? Và họ trở nên khắt khe với Tết hơn?

Đây là cái Tết thứ 4 chị họ tôi ăn Tết ở nhà chồng. Cái Tết đầu tiên về làm dâu, chị không biết tường tận bất cứ một phong tục nào của ngày Tết. Chị chỉ biết làm những việc lặt vặt mà mười mấy cái Tết trước mẹ chị sai làm.

Tết năm đó, chị loay hoay đứng giữa những bộn bề ngày Tết mà không biết nên làm cái gì và làm như thế nào. Từ một người vô lo mỗi dịp Tết đến, chị trở thành một người quán xuyến gần như toàn bộ công việc của gia đình nhà chồng trong mấy ngày này. Và chị thực sự sợ Tết! 

Cái Tết thứ hai ở nhà chồng, chị đã khắc phục được những điều chưa làm được trong Tết đầu tiên. Chị biết đặt hoa bên nào trên bàn thờ tổ tiên, biết mâm cơm cúng giao thừa, mùng Một cần làm như thế nào cho đủ hương vị và đẹp mắt… 

Suy nghĩ và cảm nhận của chị về ngày Tết cũng thay đổi theo. Chị thấy dần hài lòng về cái nhìn tích cực của mình về ngày Tết. Dù vất vả ngược xuôi vừa hoàn thành công việc cơ quan vừa chu toàn các công việc gia đình trong ngày Tết nhưng đó là những điều chị thật lòng muốn làm. Tết trong chị giờ đây vẫn là những niềm vui giản dị của ngày Tết, chỉ khác, chị chính là người làm nên những điều đó.

Tết chẳng phải là sự luân hồi của đất trời sao? “Đang yên đang lành bỗng dưng lại Tết” - Phải chăng những người trưởng thành đang thấy thủ tục ngày Tết trở nên rườm rà và nặng gánh trên vai người họ. Khi gánh trên vai trách nhiệm của một người trưởng thành, những người như chị tôi chính là người tạo ra Tết cho con cái của họ, cho gia đình và cho những người họ yêu thương. Tết với họ là những trách nhiệm chỉ mặt đặt tên và cần phải hoàn thành. Nhưng khi đã làm xong xuôi, họ thấy mình hạnh phúc.

Không nhiều người may mắn được học tập và làm việc tại chính nơi mình sinh ra. Đối với họ, mỗi lần có thời gian về nhà, dù là tranh thủ thì họ đều mang trong mình sự mong chờ và háo hức nhất định. Tâm trạng nôn nao đó tăng lên gấp bội trong mỗi lần Tết về. Đây cũng chính là khoảng thời gian họ mạnh dạn tạm gác lại một năm đong đếm những bộn bề với hàng tá công việc gọi tên mỗi ngày, kiêu hãnh tạm ngừng mọi bon chen để trở về nơi có những người thương yêu hết mực.

Chúng ta thấy Tết về sớm nhất ở ga tàu, bến xe, cảng hàng không. Từ khoảng 20 đến 30 Tết, không khí nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm theo những chiếc vé tàu, vé xe đi khắp các tỉnh thành. Trên các phương tiện giao thông nô nức rời thị thành là những người con, người cháu, người bố, người mẹ… muốn lao ngay về nhà để bắt đầu một khoảng thời gian mà ai cũng được nghỉ.

Chẳng nơi nào đong đầy mùi vị đoàn viên của Tết bằng những không gian vốn được xem là nơi chứng kiến sự chia ly như bến xe, ga tàu. Tiếng tim đập chậm rãi mà cũng hối hả theo nhịp từng bước chân, theo tiếng bánh xe vali lăn đều đều đang đi tìm chiếc xe đúng mã ghi trên tấm vé, đúng hàng ghế ngồi để bắt đầu ngả lưng yên tâm mấy tiếng nữa ta sẽ có mặt ở nhà.

Đối với nhiều người, nói là ăn Tết ba ngày, nhưng để có ba ngày Tết đó, họ phải nai lưng chuẩn bị gần như cả năm trời. Bao nhiêu tích góp đó là bấy nhiêu tấm lòng thơm thảo muốn được về nhà thật nhanh để bình tĩnh dọn dẹp, bình tĩnh ngắm nghía và bình tĩnh trang hoàng nhà cửa bằng những điều giản dị trong lòng. Họ mang về quê nhà cành đào được gói ghém cẩn thận, những chiếc thùng mang dư vị của món quà thành phố hay chỉ giản đơn hộp mứt Tết được bọc đẹp đẽ bằng túi giấy bóng kính.

Những bộn bề âu lo của những ngày giáp Tết kéo người ta đi khỏi đường ray Tết xưa. Với nhiều người, khái niệm Tết giờ đây chỉ mang tính biểu trưng về mặt thời gian nhiều hơn là việc tận hưởng cảm giác ấm áp. Nhưng phảng phất quanh đó là hương vị của ngày Tết cổ truyền rất riêng mà chỉ khi ta chậm lại giữa những ngày giáp Tết vội vã, điềm đạm lắng nghe thanh âm của Khúc giao mùa, Thì thầm mùa xuân, Happy New Year... thư thái ngắm nhìn cây đào đang bung nở, cây quất trĩu quả… sẽ thấy lòng mình thực sự có Tết.

Chúng ta đừng bận bịu xa xôi mà quên mất: Tết no đủ nhất là ở trong lòng! 


Tin liên quan