Trong phong tục cổ truyền của người Việt Nam, có một ngày Tết mà không phải ai cũng biết, và đang dần bị lãng quên trong giới trẻ. Tháng Tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.
Trong phong tục cổ truyền của người Việt Nam, có một ngày Tết mà không phải ai cũng biết, và đang dần bị lãng quên trong giới trẻ. Tháng Tư đong đậu nấu chè/ Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.
Theo sách Phong Thổ Ký, Đoan là mở đầu, Ngọ là giữa trưa. Dương là mặt trời. Là khí dương. Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Đoan ngọ bắt đầu vào tháng 5 vì tháng năm trời nắng to.
Bên Trung Quốc thì gọi là Tết Trùng Ngũ. Đơn giản vì có hai con số 5 gặp nhau. Mùng 5 tháng 5. Cũng ở đây lưu truyền một truyền thuyết là vị trung thần Khuất Nguyên, vị trung thần thời vua Hoài Vương. Đám gian thần, nịnh thần ghét ông nên bàn bày kế để vua Hoài Vương thử lòng trung thành của Khuất Nguyên. Bằng cách ra lệnh cho ông nhảy sông tự vẫn. Quân xử thần tử. Thần bất tử bất trung. Vua bảo bề tôi chết mà bề tôi không chết là kẻ bất trung vậy.
Khuất Nguyên tuân lệnh vua. Trầm mình xuống sông tự vẫn đúng vào giờ Ngọ, nhằm ngày 5.5 Âm lịch.
Người dân tôn kính, nên cứ đến ngày ông mất thì mang trái cây ra thả xuống sông để tưởng nhớ ông.
Cũng theo tương truyền thì Khuất Nguyên vốn là bậc thần y. Nên ngày ông mất, người dân có tục hái lá về phơi khô rồi để dành khi trong người ốm đau thì mang ra uống.
Tết Đoan ngọ, khi du nhập vào Việt Nam đã được nhân dân ta Việt hóa rất hay, theo cách của những con dân trồng lúa nước, là Tết diệt sâu bọ.
Vào ngày này, những món ăn có vị chua, cay nồng như Mận, bã rượu, cơm rượu hay bánh tro… có tác dụng tiêu diệt sâu bọ, bệnh tật trong người rất hiệu quả. Nhớ hồi nhỏ, mẹ cho ăn bã rượu, là bã rượu chứ hồi đó làm gì có cơm rượu mà ăn, ăn lúc đói, say gần chết.
Người miền biển thì đúng giữa Ngọ họ sẽ ra biển đánh bắt tôm cá, vì lúc này khí dương đang thịnh nhất. Họ khác, vì đã dày dạn sương gió, chứ người thành phố mà hứng dương khí vào lúc này coi chừng tẩu hỏa nhập ma.
Người miền núi thì rủ nhau lên núi hái lá thuốc, vì lúc đó cây cỏ đang hấp thụ tinh khí cực thịnh của đất trời. Chỉ mong là đừng hái nhầm vào lá Ngón thì khổ.
Quay trở lại câu hỏi, vì sao chúng ta đang dần lãng quên tết Đoan ngọ. Câu trả lời hết sức đơn giản là chúng ta hiện đang có quá nhiều cái tết. Tết Nguyên Đán mùng 1.1 này. Tết Thanh Minh ngày 1.3. Tết Hàn Thực 3.3. Đoan ngọ 5.5. Tết Vu Lan báo hiếu 7.7. Tết Trung thu 15.8. Trùng Cửu 9.9. Trùng Thập 10.10. Táo Quân 23. Chạp…
Theo quan điểm của dân tộc Việt, con người sinh ra là để vui chơi mà.
Nếu Tết Nguyên Đán có bánh chưng bánh dày. Tết Trung thu có bánh nướng bánh dẻo. Thì bánh tro là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ 5.5. Bánh tro là loại bánh rất dễ làm.
Nhưng nó đòi hỏi ở người làm bánh một sự tỉ mỉ cần có. Khi làm bánh ra có đẹp và hấp dẫn người ăn hay không là tùy vào sự khéo léo của tôi bàn tay người thợ.
Nếp tháng 3 hột mẩy. Đầy đủ và căng đầy dưỡng chất. Hạt nếp đùng đục màu sữa.
Tro được dùng là thứ tro tốt nhất lấy từ thân cây mè, lấy tro than xay rồi lọc kỹ. Một chậu nước đổ tro vào khuấy đều, cho thấm tro chìm xuống. Khi tro lắng xuống, nước tro ở trên rất trong thì chắt lấy nước. Nếp cho vào nước tro, ngâm 3 ngày đêm, sau đó vo lại với nước sạch, đổ trên rổ cho ráo nước.
Lá để gói bánh người ta thường dùng lá sậy, lá thơm nết hay lá dong non. Những loại lá này không to nên gói bánh quả là khó.
Chiếc lá sậy hơi dài, gấp đôi thành hình chéo, xoay vòng đôi tay lần nữa, gấp nó thành cái phễu, bốc một nắm nếp bỏ vào. Một vài thao tác khéo léo nữa là đã có chiếc bánh hình tháp rất đẹp và chắc chắn.
Từng cặp bánh ú tro để liền nhau, rồi bỏ bánh vào nồi, nấu đủ 4 tiếng. Bánh tro khi vớt ra có màu vàng nâu hoặc xanh nhạt màu lá.
Bánh tro ăn nguội. Có vị thanh. Thoang thoảng mềm mại như một miếng thạch rau câu giải khát trong ngày 5.5 đầy nắng và gió.