Siêng nhậu nhẹt, ôm điện thoại 'chém gió', người Việt Nam lười vận động nhất thế giới

Việt Nam đang lọt vào 1 trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.

Dự kiến ngày 27/2 tới, nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam, Bộ Y tế sẽ phát động toàn ngành thực hiện phong trào "thể dục giữa giờ tại công sở, nơi làm việc", tiến tới kêu gọi các bộ ngành, lĩnh vực công tác khác cùng tập, trong một chương trình có tên là "Sức khỏe Việt Nam".

Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Công ty truyền thông Trăng Đen) cho rằng: Việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đích thân phát động chương trình tập thể dục giữa giờ rất có ý nghĩa, tạo nên tác động rất lớn.

Chúng ta đều biết, Việt Nam đã bị xếp nằm trong Top người dân cực kỳ lười vận động, lười tập thể dục, từ dân công sở, dân văn phòng tới giới trẻ.

Theo thông báo từ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA đưa ra thì Việt Nam đang lọt vào 1 trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.

Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, tại Việt Nam hiện nay 70% các ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân liên quan đến lối sống như ăn uống thiếu khoa học, lười vận động. Tuy nhiên người dân không quan tâm đến khâu phòng bệnh, để đến khi bệnh nặng mới đi viện, điều trị rất tốn kém.

"Tôi luôn ngạc nhiên bởi với rất nhiều người, thời gian dành để nhậu nhẹt, hút thuốc, chơi game, ôm smatphone thì nhiều, trong khi thể dục là việc hết sức quan trọng cho sức khỏe của chính mình thì lại không quan tâm, không chăm chỉ.

Video clip Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tập bài thể dục giữa giờ

"Bản thân tôi đi nước ngoài nhiều, thì tôi thấy ở các quốc gia trên thế giới, điều kiện về đường xá, cầu cống rất phù hợp và thuận tiện cho việc đi bộ. Ví dụ như có vỉa hè an toàn để đi bộ, có những hàng cây xanh che mát cho người đi bộ, hoặc là con đường từ nhà ra ga tàu điện ở các nước mọi người cũng hầu hết là đi bộ. Do đó, việc tập thể dục bằng con đường đi bộ rất tự nhiên, không có rào cản.

Còn ở Việt Nam, những điều kiện thuận tiện cho việc đi bộ, tập thể dục của người dân còn nhiều hạn chế. Do vậy, việc tập thể dục phải được chủ động hơn, có kế hoạch và người dân cần có ý thức tập thể dục mỗi ngày. 

Tuy nhiên, không thể viện bất kỳ lý do gì để nói rằng chỉ có những người làm công việc văn phòng, công sở như kế toán, văn thư... mới có thời gian tập thể dục giữa giờ.

Bởi bài tập thể dục gồm 9 động tác và chỉ trong thời gian 3 phút, tôi nghĩ mọi người sẽ sắp xếp được lịch làm việc hợp lý để có thể tập bài thể dục đó nếu chúng ta nhận thấy tác động tích cực của việc tập thể dục mỗi ngày.

Trong lời kêu gọi tập thể dục, Bác Hồ đã nói: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe". 

Nhiều khi mọi người không ý thức được rằng là mình không tập thể dục không chỉ làm cho cơ thể của chúng ta yếu đi, mà nó còn ảnh hưởng tới công việc, kinh tế, gia đình và tạo ra gánh nặng cho xã hội. Khi chúng ta bị bệnh, sẽ kéo theo rất nhiều thứ bị ảnh hưởng.

Do vậy, tôi rất ủng hộ chương trình tập thể dục mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trương phát động trong ngành Y và kêu gọi các ngành khác cùng thực hiện.

Mong sao chương trình được toàn thể cán bộ, nhân dân hưởng ứng thực hiện đến nơi đến chốn, thành một phong trào lan tỏa sâu rộng đến với từng người, từng gia đình, để mang lại hiệu quả tích cực cho bản thân mỗi người, cho gia đình và cho toàn xã hội.

Việt Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan