Sắm lễ cúng ông Công ông Táo miền Bắc, miền Trung, miền Nam có gì khác nhau, hãy cùng tìm hiểu phong tục cúng Táo quân tại ba miền Bắc Trung Nam nhé!
Mỗi năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là người dân Việt lại bận rộn chuẩn bị lễ cúng ông Công ông Táo để tiễn các Táo về trời, để bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc mà người dưới dương gian đã làm trong một năm qua. Đồng thời, các Táo cũng xin Ngọc Hoàng ban may mắn, bình an, sung túc cho mỗi gia đình.
Cúng Táo quân là một nét đẹp văn hóa ngàn đời trong tín ngưỡng thờ tự của người dân Việt. Tuy nhiên, do khác biệt về địa lý, vùng miền, lễ cúng Táo quân ở 3 miền sẽ có nhiều điều điểm khác nhau.
Trong bài biết này, hãy cùng tìm hiểu xem sắm lễ cúng ông Công ông Táo miền Bắc, miền Trung, miền Nam có gì khác biệt?
Người miền Bắc thường có thói quen cúng ông Công ông Táo sớm, có gia đình thường chuẩn bị lễ cúng từ 21 tháng Chạp và muộn nhất vào trước 12 giờ trưa ngày 23.
Bởi lẽ, người dân Bắc quan niệm rằng 12 giờ trưa là lúc cổng thiên đình đóng lại. Cúng ông Công ông Táo sau giờ này thì các Táo sẽ không thể lên chầu trời được nữa.
Nét khác biệt độc đáo nhất của miền Bắc so với hai miền Trung, Nam chính là lễ vật cúng ông Công ông Táo không thể thiếu 3 con cá chép sống được thả trong chậu đặt cạnh mâm lễ. Ngoài ra, có một số gia đình sẽ dùng 1 con cá chép to hoặc cá chép giấy. Cá chép sau khi cúng lễ sẽ được mang ra ao, hồ, sông... những chỗ mát mẻ, sạch sẽ để phóng sinh.
Trong mâm lễ của người miền Bắc bắt buộc có đủ bộ áo mũ của các Táo (2 bộ của Táo ông, 1 bộ của Táo bà) cùng những món ăn mang hương vị truyền thống như: Xôi, bánh chưng, gà luộc, nem rán, canh xương khoai, canh mọc, giò lụa...
Bên cạnh đó, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc một vài món ngọt như chè kho, rượu, trà... Mặc dù có biến tấu linh hoạt tùy vào điều kiện mỗi gia đình, nhưng tựu chung lại vẫn mang dư vị truyền thồng, đầy đủ và ấm áp.
Thêm một khác biệt nữa, chính là người miền Bắc quan niệm rằng đây là thời gian bàn giao của Hành thiên và ông Táo nên sau khi cúng ông Công ông Táo xong sẽ thực hiện việc bao sái, rút và tỉa chân nhang, vệ sinh bát hương cũng như không gian thờ cúng.
Lễ cúng ông Công ông Táo ở miền Trung cầu kỳ, khác biệt và ''phức tạp'' nhất trong 3 miền.
Người miền Trung không cúng áo mũ vàng mã cho các Táo mà cúng một con ngựa giấy, có yên cương đầy đủ, đốt vàng mã và dâng cúng nhiều lễ vật.
Trước khi bắt đầu cúng Táo quân, người miền Trung sẽ thay tro mới cho bát hương, lau dọn ban thờ sạch sẽ, tươm tất. Khi hoàn tất lễ cúng, gia chủ sẽ tiến tượng 3 Táo quân cũ bằng đất nung khỏi bàn thờ và đưa tới các am miếu ở đầu xóm hoặc ở dưới các gốc cây cổ thụ ngã ba đường. Sau đó, rước tượng 3 Táo quân mới đặt lại lên bàn thờ để bắt đầu năm mới.
Buổi sáng ngày 23 tháng Chạp tại một số tỉnh sẽ diễn ra lễ dựng nêu ở trước sân nhà, sân đình. Những ngày 23 tháng Chạp và tất niên, đêm Giao thừa, mồng 1 và mồng 3 Tết là những ngày mà người dân Huế đốt vàng mã nhiều nhất.
Người Huế và một số tỉnh lân cận có tục thờ ông Táo ở hai nơi một ở trên Trang Ông và một bàn thờ nhỏ đặt ở bếp.
Người dân miền Nam có tục cúng ông Công ông Táo vào buổi đêm, thông thường trong khoảng thời gian từ 20h00 đến 23h00.
Bởi quan niệm của người dân cho rằng, thời gian này là lúc cuối ngày, gia đình không còn nấu nướng gì ở bếp nữa, các Táo quân mới nhàn rỗi nên họ sẽ tiễn ông Táo lên đường gặp Ngọc Hoàng.
Do có sự giao thoa giữa hai vùng miền nên mâm lễ cúng của người miền Nam cũng khá giống với mâm cỗ cúng của người miền Bắc, bên cạnh những món quen thuộc như của các gia đình miền Bắc, nhiều gia đình miền Nam cũng làm mâm lễ chay và không thể thiếu một đĩa kẹo làm từ đậu phộng, mè đen, nhang đèn, 3 chung nước nhỏ và đặc biệt là bộ "cò bay, ngựa chạy".
Bộ “Cò bay, ngựa chạy” là hình con cò và con ngựa được cắt và làm từ giấy để hóa thật sau khi làm lễ giúp ông Táo về trời nhanh hơn. Bên cạnh đó, gia chủ cũng cúng thêm 3 bộ quần áo bằng giấy cho ông Công ông Táo.
Thêm nữa, khác với miền Bắc, người miền Nam không có tục tỉa chân hương, không mua cá chép thả trong chậu rồi phóng sinh, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ. Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm trái cây đơn giản.
Việc sắm lễ cúng ông Công ông Táo miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có những nét riêng biệt đặc sắc do khác biệt về địa lý, phong tục tập quán vùng miền, nhưng tựu chung lại đã tạo nên một Việt Nam đa dạng bản sắc văn hóa.
Và hơn hết, dù có khác biệt thế nào, thì việc cúng ông Công ông Táo cũng đều mang một mong ước chung đó chính là niềm hi vọng về một năm mới an khang, một cuộc sống đủ đầy, sung túc và no ấm.