Theo kết quả giải trình tự gen cho thấy chỉ số lây nhiễm lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó lần trước chỉ khoảng 1,8-2,2, tức là gấp gần 3 lần trước đây.
Tính tới sáng 3/8, Việt Nam ghi nhận 621 ca nhiễm COVID-19. Chỉ trong 1 tuần trở lại đây (từ 25/7 - 3/8), số ca mắc trong cộng đồng lên tới 174 ca.
Đây là con số ghi nhận cao nhất so với 2 đợt mắc trước tại Việt Nam. Đặc biệt có ngày, Việt Nam ghi nhận 56 ca nhiễm trong cộng đồng.
Nói về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, Kết quả phân tích nguồn gene nCoV từ các bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện tại Việt Nam. Đây là chủng virus thứ 6. Chủng mới này có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.
Theo đó, chỉ số lây nhiễm lần này rơi vào khoảng 5-6, trong khi đó 2 lần trước chỉ vào khoảng 1,8 – 2,2, tức mức độ lây nhiễm cao gấp gần 3 lần các chủng COVID-19 đã lưu hành tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020.
Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam ghi nhận 6 chủng.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, lần lây nhiễm trước không xuất hiện nhiều ca ở cộng đồng trong khi thực tế lần này, ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây. Đặc biệt lần này tỷ lệ những người F2 bị nhiễm bệnh cũng nhiều.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, có thể trong thời gian tới, sẽ phát hiện thêm ca mắc ở một số địa phương khác.
Do đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam thần tốc hơn nữa trong việc truy vết các trường hợp đi về từ TP Đà Nẵng từ ngày 1 - 28/7/2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương, tăng tốc hơn nữa việc thực hiện truy vết các trường hợp đi về từ thành phố Đà Nẵng từ ngày 1 - 28/7/2020 và các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế.
Đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành ngay việc cách ly y tế phù hợp theo quy định, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe.
Các địa phương mở rộng năng lực thực hiện xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm, huy động các cơ sở y tế có khả năng thực hiện xét nghiệm bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân để triển khai xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện việc thanh toán bảo hiểm y tế cho xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị đảm bảo cho việc thu dung, điều trị các trường hợp mắc bệnh; triển khai áp dụng các quy trình, phân luồng, phân tuyến tránh lây lan trong các cơ sở y tế, thực hiện điều trị hiệu quả và tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật giữa các tuyến trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Các địa phương kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, theo dõi tình hình sức khỏe và yêu cầu liên hệ để được xét nghiệm; giao chính quyền cơ sở tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại từng khu phố, từng hộ gia đình, thành lập các tổ phòng chống dịch dựa vào cộng đồng.
Những ngày qua, Bộ Y tế đã triển khai mạnh mẽ mọi biện pháp để khống chế dịch COVID-19 như: Tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt với các đội tinh nhuệ hỗ trợ giám sát, điều tra dịch tễ, điều trị, xét nghiệm để nhanh chóng kiểm soát được tình hình, giảm thiểu tối đa tử vong…