Đàn bà vượt cạn....

Đàn bà đi đẻ, dù có cả một đội quân hùng hậu đến đâu, yêu thương đến đâu theo cùng, thì vẫn cứ là vượt cạn đơn côi một mình.

Xem thêm

Nửa đêm hôm qua ngồi xem Về nhà đi con, đoạn cô Thư đi đẻ, thấy xúc động thật. Khéo hôm nay nước sông Tô Lịch trong hơn một chút do tối qua các chị em khắp Việt Nam khóc mất! 

Cái đoạn Thư khóc nấc lên, bảo "bố ơi, bố đừng để con ở đây một mình", thực sự thương hết sức.

Đàn bà đi đẻ, dù có cả một đội quân hùng hậu đến đâu, yêu thương đến đâu theo cùng, thì vẫn cứ là vượt cạn đơn côi một mình.

Ông chồng mình ngồi xem bên cạnh, tự dưng bảo, thực sự em đẻ hai lần rồi nhưng anh cũng chẳng hiểu được cảm giác của đàn bà khi sinh nở đâu. Anh cũng thương, cũng lo, nhưng nghĩ cũng... bình thường mà.

Ừ, thì đàn bà đẻ đúng là bình thường mà. Đến 1/2 thế giới là đàn bà, và có lẽ đến hơn nửa trong số đó sẽ sinh nở. Thậm chí có người còn sinh nở rất rất nhiều lần, thế thì sao chẳng bình thường.

Chị Phạm Thành Huyên, 1 người mẹ đảm đang

Ấy thế nhưng mà, cả bao nhiêu tỉ phụ nữ trên thế gian này, chẳng ai bầu bí sinh nở giống ai. Có chị to như khủng long mà lúc đau đẻ mềm nhũn như sợi bún.

Có người đẻ xoẹt cái là xong, có người đau đớn đến cả tuần. Và dù y học có tiến bộ đến đâu, thì mỗi ngày, người ta vẫn nghe thấy cái từ "tai biến sản khoa, sản phụ tử vong"... rất nhiều.

Đẻ ra một đứa trẻ, dù như một việc đời người đàn bà phải làm, nhưng rất thiêng liêng, và cũng rất nguy hiểm.

Mình hai lần đẻ, hai lần đau đủ nguyên ngày, rồi vẫn hai lần mổ. Con Mốc, lúc đẩy xuống phòng mổ là chẳng biết gì nữa rồi, đã gần như trong tình trạng xỉu đi vì đau mãi chẳng đẻ nổi, mổ cấp cứu.

Vẫn nhớ cái cảm giác cái thai thúc xuống đòi ra một nửa thì chẳng ra nổi, đau thấu gan thấu ruột, cố hé mắt ra, thấy toàn những cái đèn chiếu choáng cả mắt trên đầu, những bác sĩ bịt kín hết mặt chỉ còn hở mỗi đôi mắt, tiếng lẻng xẻng xung quanh và cảm giác như một mình đang chơi vơi giữa sa mạc....

Thằng Su, đẻ đúng năm tai biến sản khoa nhiều hơn lợn con. Đau mãi mà không có bàn mổ vì có mấy ca cấp cứu phức tạp hơn. Đến lúc được mổ, thì lại trục trặc phải nằm lại nguyên trong đó 4 tiếng theo dõi cái gì, chân tay bị thuốc tê không cử động được, nghĩ mình sẽ chết ư, con Mốc mới hơn 2 tuổi, thằng Su mới vừa chào đời, ai sẽ nuôi, ai sẽ yêu thương chúng nó?

Hai nhóc nhà chị Huyên

Nghĩ thế thôi, mà nước mắt cứ chảy ra, ướt hết cả tóc. Lúc được đẩy về phòng hậu phẫu rồi hôm sau được về cùng con, thấy như mình vừa bước qua mấy tầng địa ngục, quên cả cái chân suýt liệt không còn cảm giác, quên cả mọi đau đớn...

Tất nhiên, đàn bà đẻ con, không phải là cho đàn ông.

Mình nghĩ, đàn bà mang thai, sinh nở, trước hết là nhu cầu tự nhiên của bản thân. Có lẽ giống như mình, mọi chị em khác cũng đều thế, trước hết là hạnh phúc và mong muốn của mình.

Nhưng sau đó, cũng là vì chồng, vì giang sơn nhà chồng. Bởi vì, yêu thì mới sinh con cho nhau. Bởi vì, sinh một đứa con rồi cùng nhau nuôi dưỡng để cùng nhau thực sự trưởng thành. Bởi vì, đứa trẻ sẽ kế thừa bộ gen, di truyền nối dõi nòi giống, truyền từ đời này qua đời khác....

Thế nên, mong những người đàn ông, nếu thực sự không thể hiểu được cảm giác đàn bà vượt cạn, thì cũng cứ yêu thương, chăm sóc, và ở bên cạnh khi họ cần.

Và nếu có lúc nào trong đời, muốn tệ bạc, chán chường họ, đừng quên, họ đã đơn côi vượt qua một (hay nhiều lần) cửa mả, để mình được thành cha.

Và hãy cùng họ yêu thương, gánh vác cuộc đời này, để họ chỉ phải vượt qua duy nhất cái địa ngục sinh nở thôi, chứ đừng để đàn bà lấy chồng là đi qua tầng tầng địa ngục! 

Phạm Thành Huyên


Tin liên quan