Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh than thở môn Tiếng Việt của lớp 1 năm nay chương trình học nặng, tốc độ nhanh khiến cả phụ huynh và học sinh mệt mỏi. Bộ GD&ĐT đã phản hồi về vấn đề này.
Trên diễn đàn 'Hội các bà mẹ có con sinh năm 2014 Giáp Ngọ' những ngày gần đây luôn xôn xao các ý kiến phản ánh của phụ huynh về chương trình học môn Tiếng Việt của lớp 1.
"Một bài Tiếng Việt trong 40 phút các con vừa ghi nhớ 2 - 3 âm mới, cách tạo tiếng, đọc trơn từ và cả câu, thậm chí cả đoạn văn gồm 2 - 3 câu, trả lời câu hỏi. Tối nào về hai mẹ con cũng 'đánh vật' với bài học, con không đi học chữ trước nên vô cùng vất vả" - chị Hiền (Hà Nội) than thở.
Cũng là 1 trong những phụ huynh không cho con đi học chữ trước, chị Mai (Vĩnh Phúc) ngỡ ngàng: "Nhà mình theo đúng chủ trương của Bộ GD&ĐT, không cho con đi học chữ trước, giờ con vào lớp 1 mới bắt đầu học các chữ cái đầu tiên nhưng con không bắt kịp tốc độ học của chương trình bởi yêu cầu vừa thuộc mặt chữ, vừa đọc trơn đoạn văn trong một tiết học là quá nặng, quá nhanh.
Ngày nào con mình cũng nhận được tin nhắn từ giáo viên chủ nhiệm về việc con chưa thuộc mặt chữ, con đánh vần chậm, thật sự là rất áp lực. Mình thấy chương trình mới không phù hợp với các con lớp 1".
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều ý kiến của các bậc phụ huynh có con đang học lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông mới. Học sinh năm nay học theo 5 bộ sách khác nhau, tùy trường chọn bộ nào, học sinh sẽ học theo chương trình của bộ sách đó.
Về vấn đề này, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2020 chiều tối 30/9, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học cho biết: Bộ GD&ĐT chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ phía giáo viên, học sinh, phụ huynh hay các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học gửi ý kiến phản ánh về Bộ về chương trình lớp 1 năm nay.
“Chương trình của khối 1 có 9 môn học và chương trình cũng đã có quy định chuẩn đầu ra khi kết thúc năm học. Ví dụ với môn Tiếng Việt, kết thúc lớp 1 thì trong một phút các em đọc được bao nhiêu từ, viết được bao nhiêu từ? Đọc hiểu như thế nào,...
Để đạt được chuẩn đầu ra đó, năm nay chương trình quy định số tiết của môn Tiếng Việt là 420 tiết (thay vì 350 tiết như năm trước).
Tất cả 5 bộ sách giáo khoa phải dựa trên chuẩn đầu ra và khung thời lượng đó, thiết kế bằng những con đường khác nhau để đi đến cái đích đó. Khi ban hành chương trình, chúng ta đã tổ chức rất nhiều công đoạn, trong đó có khâu thực nghiệm và lấy ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia.
Với những quy trình làm việc rất chặt chẽ thì những nhận định như vậy ngay ở những bước đầu là chưa có đủ căn cứ xác đáng” - ông Tài thông tin.
Ông Tài lưu ý, đối với với lớp 1, chương trình có một điều chỉnh dựa trên quan điểm là hoàn tất lớp 1 sẽ cố gắng để học sinh có thể đọc thông, viết thạo càng sớm càng tốt và xem như đó là điều kiện để các em có thể học tốt các môn học khác.
"Trong chương trình môn Tiếng Việt ở chương trình phổ thông mới, về mặt kiến thức, không cao hơn so với chương trình hiện hành. Song thời lượng được điều chỉnh từ 350 tiết lên 420 tiết, dù lượng kiến thức đã có phần tinh giản hơn so với chương trình trước đây.
Ttần suất học Tiếng Việt (số tiết) trong một tuần của học sinh học theo chương trình phổ thông mới chắc chắn sẽ nhiều hơn so với khi học chương trình trước đây.
Như vậy, một phụ huynh nào đó có một con năm ngoái học lớp 1 và một con năm nay học chương trình mới, nếu so sánh số tiết học Tiếng Việt dễ tưởng rằng là nặng”, ông Tài lý giải.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, chương trình lớp 1 mới thực hiện được một tháng, dư luận cần có góc nhìn khách quan, chưa nên đánh giá sớm.
Cũng tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Tiểu học Thái Văn Tài khẳng định, điểm đặc biệt của chương trình giáo dục phổ thông mới là Bộ GD&ĐT cũng đưa ra quy định “mở” có thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
"Có nghĩa là trong thực tế, khi triển khai chương trình, Bộ GD&ĐT tiếp tục lắng nghe, phản biện, những việc phát sinh diễn ra trong thực tế. Khi có đủ giai đoạn, đủ các căn cứ khoa học, đánh giá nhiều mặt, lúc đó sẽ đánh giá tổng kết lại để chúng ta có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình triển khai. Như vậy chương trình lần này có độ mở, linh hoạt, tính mở linh hoạt trong quá trình điều chỉnh".
Ông Tài cũng cho biết, chương trình quy định chuẩn đầu ra, sách giáo khoa là đường hướng cho giáo viên như là 1 phương án để triển khai, do đó nhiệm vụ của giáo viên là phải phân tích chương trình, phân tích sách giáo khoa và thiết kế kế hoạch dạy học của mình để làm sao đạt được mục đích chuẩn đầu ra.
Khi xây dựng kế hoạch, dựa trên nhiều yếu tố: điều kiện đảm bảo việc triển khai công tác chuyên môn đối với nhà trường đáp ứng đến đâu, đối tượng học sinh, cụ thể đối với từng học sinh để có lộ trình phù hợp...
Thực tế cho thấy, kế hoạch dạy học của từng trường trên 1 địa bàn hoàn toàn khác nhau phù hợp với đặc trưng riêng của từng trường, từng lớp và từng sở trường của giáo viên. Bộ GD&ĐT nhận thấy các giáo viên và các trường đang cố gắng để việc dạy và học đạt kết quả tốt nhất.