Phụ huynh đừng vô tình mà làm hỏng đôi mắt của con

15% trẻ trong độ tuổi đi học bị cận thị trong cả nước. Các bậc phụ huynh và các con cần phải làm gì để phòng tránh cận thị và chăm sóc sức khoẻ cho đôi mắt?

 15% trẻ trong độ tuổi đi học bị cận thị. 

Những thống kê đáng báo động

Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục, cả nước có 15% trẻ em trong độ tuổi đi học bị cận thị. Tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh bị cận thị chiếm tới 21,8%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ cận thị ở học sinh tăng lên đến mức báo động: nếu năm 2004 tỷ lệ cận thị của học sinh cấp tiểu học là 11,3%, học sinh cấp THPT là 29,8% thì đến năm 2015 con số này là 26,4% và 41,8%.

Đáng nói hơn, những nơi học sinh càng có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt thì tỷ lệ bị cận thị càng cao: nội thành có tới 29,9% học sinh cận thị, con số này ở ngoại thành là 13,6%. Như vậy, tỷ lệ cận thị của học sinh nội thành cao gấp 1,8 lần học sinh ngoại thành.

 Cận thị còn có thể dẫn đến những bệnh lý như lé mắt, nhược thị, co quắp điều tiết... 

Theo bác sĩ Bùi Thị Tố Như, chuyên khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mắc cận thị ở lứa tổi học sinh ngày càng cao, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học.

Tại phòng khám của bác sĩ Như, có tới khoảng 35% bệnh nhân cận thị đến điều trị ở lứa tuổi học sinh, trong đó chủ yếu là học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh, giáo viên trường Tiểu học Khương Đình (Thanh Xuân), tỷ lệ học sinh mắc cận thị ngày càng tăng cao tại trường này. Mặc dù nhà trường đã có biện pháp hướng dẫn, nhắc nhở các em và phụ huynh nhằm ngăn ngừa nhưng con số đó vẫn không ngừng tăng lên.

‘Nếu trước đây không có hoặc rất hiếm hoi thì giờ đây hình ảnh những học sinh lớp 3, lớp 4 với cặp kính cận dày cộp đã trở nên quen thuộc.

Trong một lớp khoảng 30 - 35 học sinh thì có từ 7 - 10 em bị cận thị. Tỷ lệ học sinh cận thị thay đổi theo từng năm, năm sau lại có xu hướng cao hơn năm trước’, cô Thanh cho biết.

Vì sao con bị cận thị?

Theo bác sĩ Như, chương trình học tập hiện nay quá nặng, học sinh phải học cả 3 buổi (sáng, chiều, tối) buộc mắt phải làm việc liên tục. Việc tập trung nhìn kéo dài tạo điều kiện thuận lợi dẫn đến cận thị, nhất là ở học sinh cấp I (6 - 10 tuổi) do ở lứa tuổi này cơ quan thị giác chưa hoàn chỉnh cả về mặt cấu tạo và sinh lý.

Vì thế, tỷ lệ cận thị mới mắc sau một năm ở học sinh cấp I cao hơn so với học sinh cấp II; III.

Các em hiện nay tiếp xúc với tivi, điện thoại, máy tỉnh bảng, máy tính, laptop từ quá sớm. Ngoài giờ học, các em còn giải trí bằng trò chơi điện tử nên đòi hỏi sự tập trung cao độ, buộc mắt phải điều tiết.

 Sử dụng các thiết bị điện tử nhiều có thể khiến trẻ bị mù mắt. 

Điều này dẫn đến tình trạng trẻ bị cận thị gia tăng. Do hình ảnh di chuyển liên tục và ngồi gần màn hình máy tính nên độ cận của các em đã tăng lên nhanh chóng.

Các truyện tranh, sách in chữ quá nhỏ cũng làm tăng gánh nặng đối với mắt.

Ngoài ra, việc thiếu đảm bảo về các cơ sở vật chất trường học và thói quen ngồi học của các em học sinh cũng là nguyên nhân gây ra cận thị.

‘Hiện nay, các trường tuy không còn thiếu thốn nhiều như trước nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh, chưa thực hiện theo quy định vệ sinh về thiết kế xây dựng.

 

Nguồn sáng không bảo đảm yêu cầu, bảng viết quá bóng và bàn ghế đóng hàng loạt không theo kích cỡ quy định phù hợp với các cấp học vẫn còn phổ biến’.

‘Đa phần các cháu ngồi sai tư thế trong các giờ học, nhất là khi viết bài hay làm bài tập, các em để mắt gần sát mặt bàn mà không được nhắc nhở', bác sĩ Như cho biết.

Bác sĩ Như cũng lưu ý, ngoài các nguyên nhân trên thì di truyền cũng là một trong những yếu tố gây nên cận thị. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.

 Thiếu sáng và ngồi sai tư thế khi học bài là 1 trong những nguyên nhân phổ biến gây cận thị cho trẻ. 

Ngoài ra, các con bị cận thị còn bởi một số nguyên nhân sau:

- Trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ: Đặc biệt là từ 7 – 9 tuổi và 12 – 14 tuổi, trong khoảng thời gian này nếu trẻ ngủ quá ít hoặc do không đủ thời gian để ngủ vì bố mẹ bắt học quá nhiều rất dễ gây ra cận thị.

- Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ: Hầu hết trẻ sinh ra với trọng lượng cơ thể dưới 2,5 kg, đến tuổi thiếu niên đều bị cận thị.

- Trẻ sơ sinh thiếu tháng: Trẻ sinh thiếu tháng từ 2 tuần trở lên thường bị cận thị từ khi học vỡ lòng.

- Bố mẹ bị cận thị dễ di truyền sang con cái: Mức độ di truyền này liên quan mật thiết với mức độ cận thị của bố mẹ. Thông thường bố mẹ bị cận thị dưới 3 đi-ốp thì khả năng di truyền sang con cái rất nhỏ. Nếu bố mẹ bị cận thị từ 6 đi-ốp trở lên thì khả năng di truyền sang con cái là 100%.

- Trẻ xem ti-vi quá gần: Nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti-vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti-vi nhỏ hơn 3m sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều. 

 Có nhiều nguyên nhân gây ra cận thị ở trẻ em. 

Hãy giữ lấy đôi mắt sáng cho con

Theo bác sĩ Như, để phòng ngừa cận thị, hiện nay chưa có một phương pháp nào hiệu quả hoàn toàn. Tuy nhiên, nên có một chế độ học tập và làm việc hợp lý xen kẽ với những vận động thể lực vừa phải.

Hướng dẫn trẻ học tập, đọc sách đúng khoảng cách, đúng tư thế, đủ ánh sáng sẽ giúp cho mắt đỡ mệt mỏi.

Khi ngồi viết, ánh sáng phải chiếu phía đối diện của tay cầm bút, chữ và giấy phải có độ tương phản tốt, khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25 - 30 cm.

 Giữ khoảng cách giữa mắt và sách khi đọc. 

Cho mắt thư giãn bằng cách nhìn ra xa trong 5-10 phút sau mỗi 30-40 phút làm việc. Không nên để mắt quá căng thẳng khi tiếp xúc với màn hình vi tính, không  chơi trò chơi điện tử lâu...

Tăng cường các hoạt động thể thao ngoài trời. Theo các chuyên gia về mắt, hoạt động thể thao ngoài trời giúp mắt khỏe mạnh và có sự linh hoạt.

Đặc biệt, đi khám mắt định kỳ sẽ giúp bạn chỉnh tật khúc xạ và được bác sĩ tư vấn cụ thể khi gặp những vấn đề về mắt.

Thường xuyên bổ sung dưỡng chất cho mắt. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất giúp nuôi dưỡng một đôi mắt khỏe đẹp.

Các vi chất như vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết.

 Các bậc phụ huynh nên chú ý bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho mắt vào khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày cho con. 

Những đứa trẻ cận thị sẽ gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực như sự nhanh nhạy, giao tiếp xã hội, nhận biết hình thể, sử dụng bàn tay cũng như việc lựa chọn một số nghề.

Hơn nữa, cận thị còn có thể dẫn đến những bệnh lý như lé mắt, nhược thị, co quắp điều tiết... gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ và còn để lại di chứng cho thế hệ sau.

Vì vậy các bậc phụ huynh hãy giữ lấy cho trẻ một đôi mắt sáng và khỏe mạnh.

Đình Cương /giadinhmoi.vn